Đời sống

Đốm màu trắng trên miếng cá hồi là gì, có gây hại không?

Nhiều người quan sát thấy miếng cá hồi sau khi nấu chín có xuất hiện những đốm màu trắng. Vậy những đốm trắng này là gì, có gây hại đến sức khỏe hay không?

Nhiều người tin rằng chất màu trắng ở cá hồi là chất béo. Nhưng thực tế, nó lại là một loại protein hòa tan gọi là albumin – thứ cũng có trong lòng trắng trứng. Albumin tạo thành một kết cấu trắng đục trên da, nhưng nó hoàn toàn lành mạnh và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi có quá nhiều chất này chảy ra trên miếng cá hồi có nghĩa là bạn đã nấu món ăn quá kỹ.

Nếu muốn loại bỏ những đốm trắng trên bạn không nên nấu cá hồi quá nhanh hoặc quá chín. Cách tốt nhất là ngâm cá trong nước muối 10 phút trước khi nấu. Với cách này, mức albumin sẽ giảm một cách tự nhiên, do muối phá vỡ các sợi cơ của cá và ngăn chúng ép ra protein.

Ngoài ra, một cách khác để tránh đốm trắng xuất hiện trên miếng cá hồi là nướng cá hồi trong lò.Thời gian chế biến cá hồi sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ dày mỏng của miếng cá. Một miếng cá hồi chín lý tưởng được đo ở phần thịt dày nhất của cá, khoảng 145 độ F (63 độ C) (theo Bộ Nông nghiệp Mỹ). Do đó, bạn chỉ cần nướng nó đến khoảng 140 độ F (60 độ C) rồi tắt bếp/lò, nhiệt độ trong cá sẽ tự tăng lên một chút nữa là vừa. Nếu để chín quá miếng cá sẽ khô, rời rạc, mất đi hương vị thơm ngon.

Ngoài ra bạn cũng nên tránh một số sai lầm sau khi chế biến cá hồi:

- Rã đông bằng lò vi sóng
Dùng lò vi sóng để rã đông sẽ khiến cá hồi bị khô và cứng. Bạn nên rã đông bằng cách để cá trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm hoặc cho vào túi, ngâm trong nước lã. Khi cá đã hết đông, bạn vẫn cần để cá ở nhiệt độ phòng thêm khoảng 3-4 tiếng để thịt cá hết lạnh hoàn toàn rồi mới bắt đầu các bước sơ chế, nấu nướng.

-Không lọc xương cá

Trước khi chế biến cá hồi nên lấy sạch xương cá để tránh bị hóc. Ảnh minh họa.

Khi chế biến cá hồi nhiều người thường bỏ quên công đoạn lấy xương cá, rất dễ gây hóc. Để xác định xương cá bạn dùng tay ấn nhẹ vào thịt cá, điểm có cảm giác cứng sẽ có xương cá, dùng nhíp gắp vào phần thịt chứa xương, kéo ngược về phía đầu cá. Như vậy cá sẽ sạch xương và không bị vỡ thịt hay mỡ cá.

- Ướp cá hồi quá sớm

 Ướp muối quá sớm trước khi nấu, bạn sẽ rút hết độ ẩm của cá, khiến cá dễ bị nấu quá chín. Ảnh minh họa.

Ướp muối tiêu là chìa khóa để có miếng cá thơm ngon, nhưng nếu ướp muối quá sớm trước khi nấu, bạn sẽ rút hết độ ẩm của cá, khiến cá dễ bị nấu quá chín. Thay vào đó, hãy ướp muối và tiêu cho cá hồi ngay trước khi bạn định chế biến.

-Bỏ da cá trước khi nấu

Nếu bạn chần cá hồi thì việc bỏ da cá cũng không quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn nướng, áp chảo, quay cá hồi mà bỏ da cá đi thì bạn sẽ mất đi một thành phần giúp chống lại việc cá bị cháy (do da cá hồi khá dày, dai và hơi cứng). Do đó, trừ khi bạn chần cá hồi, hãy để nguyên da cá. Da cá có tác dụng như một tấm chắn bảo vệ, nó khiến cho cá không bị cháy khi chảo, khay nướng, lò nướng quá nóng.

-Để mặt da cá hướng lên trên khi áp chảo

Khi áp chảo, nướng… bạn hãy luôn hướng mặt da cá hồi xuống dưới. Ảnh minh họa.

Nếu bạn cho rằng việc cho da cá hướng lên trên hay để xuống dưới mặt chảo không quan trọng thì hoàn toàn sai lầm. Nó sẽ tạo ra một sự khác biệt giữa món cá bị nấu quá chín (thậm chí là cháy) với món cá nấu chín vừa phải.

Nếu áp chảo, nướng… bạn hãy luôn hướng mặt da cá hồi xuống dưới. Da có tác dụng bảo vệ cá khỏi bị cháy, món ăn cũng chín vừa phải hơn.

Minh Hoa (t/h)