Thể thao

Đội tuyển “rách như tổ đĩa”, ai khóc cho thầy Park?

Nhiều người trách cứ HLV Park Hang Seo là người “bảo thủ”, nhưng không phải ai cũng thông cảm với ông khi ĐT Việt Nam đang giống như một cái bệnh viện thu nhỏ.

TẠI SAO VÀ VÌ ĐÂU?

Tại sao Văn Toàn có phong độ tốt lại không dùng mà lại điền tên Phan Văn Đức?. Tại sao không cho Công Phượng vào sân sớm hơn mà “nhốt” anh ta trên băng ghế dự bị đến những phút cuối cùng?. Tại sao lại thay trung vệ Bùi Tiến Dũng ra sân khi cầu thủ này vẫn hoàn toàn bình thường?. Tại sao không phải là Thành Chung, Việt Anh vào sân mà phải là Thanh Bình, một thanh niên non choẹt để rồi bị “cáo già” Wu Lei xơi tái?.

Việc Thanh Bình hoàn toàn “thua trắng” trước Wu Lei đã khiến quyết định dùng trung vệ trẻ này thay Bùi Tiến Dũng ở trận đấu vừa qua của thầy Park bị chỉ trích rất nhiều.

Có hàng ngàn câu hỏi, có hàng ngàn những vấn đề được giới chuyên môn, CĐV và các “huấn luyện viên online” đặt ra để trách móc, phê phán và cả “ném đá” HLV Park Hang Seo sau trận thua ĐT Trung Quốc với tỷ số 2-3. Những luận điểm, những phân tích nói trên đều có lý và đều đáng phải suy ngẫm. Tuy nhiên, vào lúc ấy, tôi lại ước rằng, giá như cũng có những người đặt một câu hỏi: Đâu là điều khó khăn với nhà cầm quân người Hàn Quốc lúc này?

Hãy xem nào! Cũng nhiều đấy chứ. Cả ĐT Việt Nam đang giống như một cái “bệnh viện thu nhỏ”. Rất nhiều cầu thủ có mặt ở UAE đã gặp những vấn đề chấn thương khác nhau. Trung vệ Bùi Tiến Dũng vừa trở lại sau chứng căng cơ háng. Tiền vệ Tuấn Anh không thật sự sung mãn với đôi chân đã chi chít những vết sẹo. Trung vệ Thành Chung cũng phải nín thở vì điều tương tự. Trước trận đấu với ĐT Trung Quốc (rạng sáng 8/10), Phan Văn Đức tưởng chừng như đã phải ngồi ngoài…

Đấy là những con người góp mặt ở ĐT Việt Nam vừa đấu với ĐT Trung Quốc và tới đây sẽ chiến với ĐT Oman. Còn những “bệnh binh” phải ở nhà, họ đang như thế nào?. Nói đến đây mới thấy được sự tàn phá khủng khiếp của “cơn bão” chấn thương khi nó tràn qua đội tuyển và quét đi của ông Park gần 1 nửa đội hình chính thức.

Cầu thủ không thể thiếu của ĐT Việt Nam trong 3 năm qua – Đỗ Hùng Dũng bị gãy chân khi thi đấu tại V.League vẫn chưa hẹn ngày trở lại. HLV Park Hang Seo đã mất “đôi cánh” khi mới đây, Văn Hậu được xác nhận phải lên bàn mổ, còn Trọng Hoàng bị thoát vị đĩa đệm.

Từ Nhật Bản, còn gì nhói đau hơn với HLV Park Hang Seo khi nhìn thấy cảnh cậu học trò Đặng Văn Lâm đăng tải một tấm hình vừa thực hiện xong ca phẫu thuật. Còn đó nữa, Trần Minh Vương được trả về câu lạc bộ vì gặp chấn thương dây chằng…

Không quá nói rằng, cơn bão chấn thương đang khiến ĐT Việt Nam “rách như tổ đĩa”. Cái đội hình ấy nếu ghép lại với nhau, chất lượng không thua kém, thậm chí còn vượt trội so với những con người hiện tại. Chúng ta cần phải nói lại, HLV Park Hang Seo có một phần lỗi khi đội tuyển lâm vào tình cảnh này.

NỖI KHỔ CỦA ÔNG PARK

Trước ngày lên đường, bản thân HLV Park Hang Seo đã trần tình rằng: “Tôi không tự mình đưa ra các quyết sử dụng cầu thủ. Tôi luôn lắng nghe sự tư vấn của các bác sĩ, lắng nghe tâm tư, mong muốn ra sân của các cầu thủ và đánh giá thực tế. Tôi không vì mục tiêu cá nhân mà mạo hiểm với chấn thương và tương lai của các cầu thủ”.

Ông Park cũng trả lời câu hỏi việc ĐT Việt Nam quẩn quanh vẫn chỉ là bộ khung cũ thay vì trao cơ hội cho những cầu thủ mới. “Thời gian qua, chúng tôi cũng gọi nhiều cầu thủ mới lên thử nghiệm, kiểm tra khả năng của các cầu thủ. Nhưng phải nói rằng, chất lượng các cầu thủ mới không bằng những người cũ. Vì thế, đội tuyển lúc này vẫn sử dụng những cầu thủ tốt nhất với ý đồ chiến thuật của Ban huấn luyện”.

Không ít ý kiến bày tỏ quan điểm thông cảm với tình thế của ông Park Hang Seo lúc này.

Vâng, HLV Park Hang Seo có một phần lỗi và ông phải chịu trách nhiệm với điều đó. Dẫu vậy, nhà cầm quân người Hàn đáng nhận sự cảm thông bằng ngôn ngữ của người làm nghề thay vì xỉa xói, trách móc thậm tệ.

Chắc chắn, ông Park cần phải thay đổi quan điểm, tư duy có phần cứng nhắc của mình để làm mới ĐT Việt Nam. Ông Park cũng cần sự phản biện nhưng sự phản biện ấy hợp tình và thấu đáo thay vì tát nước theo mưa.

Thạch Yên