Tiêu điểm

Đối phó với Nga, Mỹ cần cả kế hoạch thận trọng và kiên quyết

Không giống cựu Tổng thống Donald Trump, người đã dành bốn năm để ca ngợi ông Putin, ông Biden coi chính sách với nước Nga là 1 phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden đã nêu rõ các đường nét của chính sách đối với Nga. Mỹ sẽ  ngăn chặn, răn đe và trừng phạt Nga khi cần thiết. Không giống như cựu Tổng thống Donald Trump, người đã dành bốn năm để ca ngợi ông Putin, ông Biden coi chính sách nước Nga là một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Đây là một khởi đầu tuyệt vời. Nhưng bài kiểm tra thực tế đầu tiên về khả năng biến các đường hướng thành hành động của ông Biden sẽ diễn ra vào tuần này tại Geneva trong cuộc gặp với ông Putin. Ông Biden đề xuất cuộc gặp một phần nhằm khám phá các lĩnh vực hợp tác có thể có với ông Putin và một phần để ngăn cản một số động thái ở Nga. Ông Biden có thể đạt được thắng lợi với các mục tiêu đầu nhưng khó thành công đối với mục tiêu sau. Do đó, hẳn nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải theo dõi, hoạch định chính sách ngoại giao kiên quyết và thận trọng.

Những giới hạn của việc hợp tác

Mặc dù quan hệ Mỹ-Nga gần đây đang đi xuống, nhưng vẫn còn khả năng hợp tác. Một lĩnh vực nên được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự ở Geneva là kiểm soát vũ khí. Ông Biden và ông Putin hồi tháng 2 đã đồng ý gia hạn hiệp ước START mới. Mỹ muốn có những hạn chế mới đối với vũ khí hạt nhân phi chiến lược và Nga muốn hạn chế phòng thủ tên lửa. Ông Biden và ông Putin cũng sẽ xem xét khởi động các cuộc thảo luận về quy định mới cho vũ khí mạng và vũ khí không gian.

Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga

Cải thiện đường dây liên lạc giữa Moscow và Washington cũng là một vấn đề tiềm năng cùng có lợi. Đại sứ Nga tại Mỹ hiện làm việc ở Moscow, và đại sứ Mỹ tại Nga đang làm việc ở Washington. Do đó, hầu hết các cuộc trao đổi ngoại giao không phải đến từ các cuộc họp kín. Để giảm nguy cơ thông tin sai hoặc nhận thức sai dẫn đến xung đột, ông Biden và ông Putin nên thiết lập lại liên lạc cấp cao giữa hai chính phủ thông qua kênh Bộ Ngoại giao hai nước. 

Ít có khả năng thành công hơn nhưng vẫn đáng khám phá ở Geneva sẽ là một chương trình hợp tác nhỏ về các vấn đề đa phương, chẳng hạn như ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và duy trì hỗ trợ nhân đạo cho người Syria .

Ông Biden mở ra khả năng hình thành một mối quan hệ hợp tác hơn với Nga khi biết rõ rằng ông Putin khó có thể chọn hướng đi đó. Ông Putin nắm giữ lợi thế về mặt chính trị và ông nỗ lực tạo dựng hình ảnh của Nga như một cường quốc. Do đó, dù ông Putin có tỏ ra cởi mở với những hợp tác hay không, thì chính quyền ông Biden vẫn phải tìm cách kiềm chế Điện Kremlin.

Chiến lược tích cực

Việc thắng cử của ông Biden đã làm dấy lên hy vọng mới cho những người ủng hộ dân chủ không chỉ ở Ukraine mà còn ở những nơi khác trong khu vực, bao gồm Armenia, Belarus, Georgia, Moldova. Do đó, ông Biden cần hỗ trợ những người ủng hộ dân chủ mới này.

Ông Biden nên sử dụng hội nghị thượng đỉnh về dân chủ đã được lên kế hoạch của mình để khởi động một thể chế quốc tế mới nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo và ý tưởng dân chủ trên toàn thế giới.

Cuối cùng, nhà lãnh đạo Mỹ nên tái cấu trúc các phương tiện truyền thông của chính phủ Mỹ để việc chống lại những tuyên truyền của Nga được tốt hơn.      

Ông Biden đã rất chuẩn xác khi luôn đặt ra những nghi vấn về việc Nga có thể chấp nhận một mối quan hệ ổn định hơn với Mỹ hay không. Ông chủ Nhà Trắng cũng đúng khi cố gắng làm việc với Điện Kremlin trong một chương trình nghị sự mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là việc bàn về kiểm soát vũ khí. Ngay cả trong những thời điểm căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, các tổng thống Mỹ đã hợp tác với những người đồng cấp Liên Xô để giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Đồng thời, chính quyền Biden phải nhanh chóng phát triển các lĩnh vực khác trong chiến lược của mình để kiềm chế Nga. Tóm lại, sau hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, công việc khó khăn sẽ bắt đầu, Foreign Affair nhận định.

Mọi đoán định đều chỉ đều có làm rõ trong thời gian tới. Tuy nhiên, về phần mình ông Biden cho biết ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo NATO khác và “họ đã cảm ơn tôi vì sẽ có cuộc gặp ngay thời điểm này với ông Putin. Họ nghĩ rằng việc làm của tôi hoàn toàn phù hợp”.