Đồi cát, mùa lũ tháng 11 và cô giáo tôi

Gần 20 năm rồi, tôi vẫn không quên đồi cát, mùa lũ tháng 11/1999 và cô giáo Dương Thị Tư. Cô giáo đã ôm trọn tôi trong lòng khi cơn lũ dữ gầm thét, cuồn cuộn dưới chân đồi.

Lời cảm ơn chưa trọn với cô giáo lớp tôi (Ảnh minh họa).

Tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung nhiều cát, nắng và gió nhưng nước ở đó cũng chưa hề thiếu bao giờ, nhất là vào mùa lũ. Tôi nhớ, cứ khoảng từ tháng 10, tháng 11 hằng năm, con nước lại dâng lên. Trong trí tưởng tượng của tôi, đó là lúc Thủy Tinh mang quân đến đánh Sơn Tinh để đòi lại Mị Nương.

Năm đó, tôi chỉ mới học lớp 2, trường tiểu học Đồng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trường của tôi nằm giáp Quốc lộ 1A và được bao quanh bởi đồi cát. Cứ mỗi dịp đến giờ ra chơi, tôi lại cùng nhóm bạn chạy ra đồi để trượt cát. Ngày nay, khi những công trình xây dựng mọc lên, đồi cát ấy đã bị khai thác nên hao hụt dần.

Vậy mà, năm đó, nhờ đồi cát ấy mà lớp chúng tôi đã trốn được cơn lũ lớn nhất trong lịch sử. Cơn lũ được người dân cả nước biết đến là trận “Đại hồng thủy" tháng 11 năm 1999 xảy ra ở các tỉnh miền Trung.

Cơn lũ khiến 595 người chết, 41.846 ngôi nhà bị cuốn trôi, 570 trường học bị cô lập và phá hủy, thiệt hại ước tính lên đến 3.773 tỷ đồng (thời điểm năm 1999).

Năm đó, đài khí tượng thủy văn cũng như phương tiện truyền tin còn rất hạn chế. Vì thế, khi cơn lũ ập tới, lớp chúng tôi vẫn đang ngồi học bài với cô giáo chủ nhiệm Dương Thị Tư (hiện nay đã nghỉ hưu).

Khi chúng tôi đang đọc tới đoạn: "Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng, bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…", thầy Hiệu trưởng bất ngờ chạy vào lớp thông báo: “Cô Tư nhanh chóng sơ tán cả lớp lên đồi. Nước lũ đã dâng lên, nhấn chìm đường quốc lộ. Trường ta đã bị cô lập, không thể đi ra ngoài được nữa”.

Vừa nói dứt lời, thầy Hiệu trưởng chạy nhanh đến các lớp khác để tiếp tục thông báo. Lúc này, cô Tư hướng dẫn chúng tôi thu dọn sách vở. Ngoài trời mưa như trút nước, 36 học sinh của lớp tôi, ai cũng nhanh chóng lấy áo mưa mặc vào. Lúc này, chỉ có riêng tôi không có áo mưa. Vì thời gian gấp rút, cô bèn cởi vội áo mưa của mình mặc vào cho tôi. Sau đó, cô giáo dẫn cả lớp lên đồi cát mặc cho bản thân bị ướt sũng.

Ngày đó, tôi nhỏ thó lại mặc áo mưa của người lớn nên cứ đi 3 bước lại vấp té. Khi cả lớp tôi và cô giáo đang cùng leo lên con dốc cao nhất của quả đồi, bất ngờ tôi tiếp tục bị vấp ngã và lăn xuống chân đồi. Tôi không nhớ rõ mình đã lăn bao nhiêu vòng và cô giáo lăn bao nhiêu vòng nhưng khi dừng lại, cả thân thế tôi đã nằm gọn trong lòng cô giáo. Người cô ướt sũng, cả cơ thể đều bị đất cát dính vào. Cô chưa kịp nhìn vào mình mà đã hỏi han tôi: “Em có bị thương ở chỗ nào không?”.

Tôi vốn gan lỳ lại thường xuyên chơi trò trượt cát nên cú ngã đấy cũng không khiến tôi khóc. Sau đó, cô giáo cõng tôi sau lưng và tiếp tục leo lên đồi. Khi lên tới đỉnh cao, tôi mới biết rằng chân cô đã bị trật khớp không thể tiếp tục đi được nữa. Lúc đó, tôi rất buồn nhưng vẫn chưa kịp nói lời “cảm ơn cô”. Đến nay, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn không hiểu nghị lực nào đã khiến cô có thể cõng tôi lên đồi với đôi chân bị trật khớp như vậy.

Khi chúng tôi leo lên đồi cát, đứng trên cao nhìn từ xa, chúng tôi đã thấy rõ nước lũ ào ạt đổ về. Sau hơn 1 giờ đồng hồ mưa lớn, nước lũ đã nhấn chìm ngôi trường của chúng tôi. Cô giáo nhìn rồi thở dài nói: “Nếu nước vẫn tiếp tục dâng lên thì qua đêm nay chắc chắn sẽ nhấn chìm cả vùng này”.

Ngày đó, cả lớp tôi còn quá nhỏ để hiểu về tác hại của mưa lũ. Chỉ biết rằng, dù đang chạy lũ nhưng chúng tôi đều khá vui vẻ, bởi sẽ được nghỉ học nhiều ngày và tha hồ nghịch nước.

Còn về phía tôi, chắc do đọc quá nhiều truyện cổ tích nên trong giây phút chạy lũ ấy, tôi lại nhớ tới chuyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Tôi nghĩ rằng, ngọn đồi mà tôi đang đứng chắc chắn là của Sơn Tinh bốc lên để đánh bại Thủy Tinh.

Vì thế, dù nước của Thủy Tinh dâng cao bao nhiêu, đồi của Sơn Tinh sẽ tự khắc cao theo bấy nhiêu nên chắc chắc rằng chúng tôi sẽ không bị nhấn chìm.

Học trò cũ thương nhớ gửi cô yêu dấu!

Tiểu Dương