Chính sách

Đổi 100USD bị phạt 90 triệu đồng: Thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng

Đề cập đến vụ việc người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ĐBQH Nguyễn Chiến cho rằng “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình".

Thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 27/10, ĐBQH Nguyễn Chiến đặc biệt quan tâm đến công tác tư pháp. Vị ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng một nền kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường thì điều căn bản là minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi, doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử. Quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Chiến.

Đề cập đến vụ việc người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây, ông nhận định “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình".

Theo ông, việc xoá bỏ tình trạng đô la hoá cần được thực thi, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.

Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều thì đó trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10USD, 100USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường mua bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không được kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ nhà nước phải thu hẹp thị trường này trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện.

Ông Chiến cũng cho rằng, để thực hiện các dự án đầu tư trong nước, gần đây, mối quan tâm đến khai phóng nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích người dân làm ăn nhưng tại sao hành lang pháp lý đã có, nhiều đến mức đang phải cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh nhưng người dân vẫn chưa yên tâm bỏ tiền đầu tư.

Vậy sắp tới, Chính phủ có giải pháp nào để số tiền này trong dân sẽ được đưa vào lưu thông, góp phần tăng trưởng kinh tế như đã đặt ra? Thiết nghĩ, giải pháp nào cũng phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Một nền kinh tế thị trường dựa trên sức dân thì phải song hành với một hệ thống tư pháp rõ ràng, minh bạch, thực thi nghiêm minh.

Ông Chiến cũng đặt vấn đề, doanh nghiệp cần cơ chế thuận lợi trong đầu tư, bình đẳng, công bằng trong đối xử. Việc hình sự hóa trong quan hệ kinh tế, dân sự dứt khoát phải loại trừ.

Có trường hợp người cán bộ hạn chế năng lực, vô cảm trước nỗi đau, quyền lợi của nhân dân cần nhìn nhận lại. Ở trên, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt hoàn thiện về pháp luật, thể chế, bảo đảm thực thi; ở dưới, người dân nóng  vì mong đợi cải cách, đổi mới, hy vọng quyền lợi hợp pháp được bảo đảm; nhưng ở giữa, một bộ phận không nhỏ bộ máy cơ quan Nhà nước vẫn lạnh, vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân, không coi người dân là mục tiêu phục vụ trong công tác của mình.

>>> Xem thêm: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ "kêu cứu" tại nghị trường Quốc hội