Giáo dục

Độc quyền SGK: Bỏ qua việc phục vụ học sinh để kiếm tiền bằng mọi giá!?

Những vấn đề "độc quyền in sách", "sách giáo khoa dùng một lần", "lãng phí nghìn tỷ"... đến khoản lỗ chục tỷ đồng của nhà xuất bản (NXB) Giáo dục mỗi năm vì làm sách giáo khoa (SGK) đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Mới đây, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề nóng kể trên của ngành giáo dục.

PV: Vấn đề độc quyền trong in ấn, phát hành SGK đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Liên quan đến vấn đề độc quyền in SGK trong nhiều năm qua, có thể khẳng định đó là một hiện tượng không bình thường. Một số đơn vị, cá nhân có thể đang núp dưới bóng những “chiêu bài” khác nhau, nói rất mĩ miều, hoa văn nhưng thực chất lại đang lao vào công cuộc kiếm tiền.

NXB Giáo dục “lộng quyền” ở chỗ in sách và kèm theo đó làm cho các NXB khác không thể cạnh tranh dẫn tới sự độc quyền. Từ trước đến nay, sứ mệnh của NXB Giáo dục là phải phục vụ học sinh một cách tốt nhất, chứ không phải coi đó là thị trường kinh doanh, kiếm tiền bằng mọi giá.

Trên thực tế, nếu là tiền của Nhà nước tại sao lại ăn lãi lời và số tiền đó có thực sự nộp về Nhà nước hay không? Thứ hai là khâu phát hành. Nếu làm dở sẽ có những nơi thiếu sách mặc dù in thừa. Vậy sẽ nảy sinh vấn đề nâng giá ở những nơi thiếu sách. Dư luận sẽ đặt ra câu hỏi, có hay không sự “móc ngoặc” giữa các khâu?

Nên tổ chức một đoàn thanh tra, minh bạch vấn đề này. Nhà nước ta không tiếc những gì tốt nhất cho học sinh, cho một nền giáo dục phát triển. Ta có thể hy sinh nhiều vấn đề khác nhưng riêng với việc SGK cho trẻ thì chưa bao giờ hạn chế. Lợi dụng sự quan tâm đó của Đảng và Nhà nước ta, nhiều đơn vị, cá nhân vô hình trung sẽ có lợi thế, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực.

Bỏ qua việc phục vụ học sinh để kiếm tiền bằng mọi giá!?

PV: Theo thông tin mới nhất, bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra tới NXB Giáo dục. Theo ông, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần phải giải quyết những khúc mắc nào để trả lời cho dư luận?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Dư luận đang băn khoăn về khoản tiền in ấn, NXB Giáo dục đã chi tiêu, sử dụng như thế nào? Các đoàn thanh tra, kiểm tra phải chỉ ra được các đơn vị đã được hưởng lợi như thế nào và bao nhiêu tiền? Nên thanh tra rõ ràng việc có hay không lợi ích nhóm trong vụ độc quyền SGK?

PV: Từ trước đến nay, SGK luôn được sử dụng nhiều lần, người lớp trước sẽ để lại sách cho người học sau. Vậy, tại sao giờ SGK chỉ dùng được 1 lần. Dư luận băn khoăn, có hay không “lợi ích nhóm” trong việc in thêm phần bài tập trong SGK?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: SGK chỉ sử dụng một lần là quá lãng phí. Nhiều khi công chúng chỉ đứng ở góc độ của bản thân mà bình luận chứ không nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Có nhà khoa học đã từng nói, một cuộc cách mạng có triệt để hay không thì phải xem thái độ với phụ nữ như thế nào, còn bây giờ một nền giáo dục có cách mạng triệt để hay không còn phải xem đối với người nghèo như thế nào. Khi nào còn loại trừ người nghèo thì khi đó không thể coi đó là nền giáo dục dân chủ.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cần xóa bỏ độc quyền trong việc in và phát hành SGK và việc tổ chức đấu thầu là điều cần thiết. Bởi khi không còn yếu tố độc quyền thì sự cạnh tranh giữa các NXB sẽ làm tăng chất lượng của SGK về mọi mặt, ông có đồng quan điểm hay không?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Chúng ta đã theo luật kinh tế thị trường thì phải giải quyết vấn đề phát hành SGK theo luật đó, tức là không nên để độc quyền SGK. Từ những yêu cầu thiết yếu của SGK chúng ta phải có những người xử lý tốt và ai làm tốt thì ta ủng hộ. Bất kể NXB Giáo dục hay sau này những NXB nào tham gia việc làm sách cho học sinh đều cần phải hiểu đây không phải nghiệp vụ, càng không phải thương trường mà đây là sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển của dân tộc.

Bất cứ ai tham gia vào in sách giáo khoa, việc cần làm đó là tạo nên những cuốn sách in tốt nhất, đẹp nhất, giá thành rẻ nhất và sử dụng được lâu bền, đến tới tay học sinh một cách thuận lợi thì sẽ là người nắm phần thắng. Tuy nhiên, để thực hiện được phương án đó không phải đơn giản, còn rất nhiều khó khăn để “hiện thực hóa”.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn những khó khăn trong việc in và tổ chức đấu thầu giữa các NXB?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Rõ ràng, sự cạnh tranh giữa các NXB sẽ không hề đơn giản. Trong cuộc cạnh tranh này, một điều dễ dàng nhận thấy là sự không bình đẳng nhau về cơ hội, về điều kiện dẫn đến đơn vị nào nắm được cơ hội sẽ thắng.

Đã cho cạnh tranh thì sẽ có vấn đề nảy sinh “cá lớn nuốt cá bé”. NXB Giáo dục luôn chiếm ưu thế hơn so với các NXB khác. Cõ lẽ Nhà nước nên đứng ra bảo đảm, tổ chức in ấn, thẩm định... theo đúng những gì đã quy định. Bây giờ nếu tách NXB Giáo dục khỏi Bộ, Chính phủ chỉ đạo riêng thì sẽ công bằng hơn. Tôi dự báo sẽ có 2 “cơn bão thép” sau cơn bão sách công nghệ giáo dục. Đó là “cơn bão” một chương trình nhưng nhiều SGK, sự cạnh tranh giữa các NXB, cơn bão thứ hai là thi THPT Quốc gia.

PV: Trước những khó khăn, thách thức trong việc phá vỡ thế độc quyền trong in ấn, phát hành SGK, chúng ta nên có những phương án nào để giải quyết một cách triệt để, thưa ông?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Theo tôi, những cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này nên ngồi bàn và tìm ra một cơ chế, một tổ chức và giao cho họ. Ta tránh cái sai dựa trên những cơ quan đã từng sai thì không được. NXB Giáo dục và một số NXB khác đang trong vòng luẩn quẩn mà vẫn tiếp tục giao cho họ làm thì đâu lại vào đấy, không giải quyết được vấn đề. Nếu Nhà nước muốn quản lý một cách chặt chẽ thì phải lập ra hội đồng viết sách và Thủ tướng ký duyệt giao cho hội đồng đó. Khi nào nghiệm thu được những quyển sách đã viết ra rồi thì mới đem đi in. Khi đi in cũng phải quy định rõ, đối với địa phương chỉ lấy giá thấp. Muốn tạo ra sự cạnh tranh công bằng, trước hết ta cần phải tạo ra một cơ chế lành mạnh, công khai, tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”.                                      

SGK không thể chỉ vì một nhóm lợi ích
Mới đây, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hải Châu. Tại đây, nhiều cử tri bày tỏ quan điểm, trước đây, sách giáo khoa có thể dùng nhiều năm, "anh học xong em có thể dùng cho năm sau". Thế nhưng, việc thay đổi sách giáo khoa liên tục gây lãng phí, việc trưng dụng sách giáo khoa cho các thế hệ sau không thể thực hiện. Liên quan vấn đề này, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng cho biết, rất đồng tình với ý kiến của các cử tri. Ngay Chủ tịch Quốc hội cũng từng nói rất thương các cháu học sinh và thương người nghèo vì việc thay đổi sách giáo khoa liên tục. Ông Nghĩa đưa ví dụ, ngay trong gia đình mình, trước đây không có tiền mua sách giáo khoa, anh học xong đưa cho em và cứ tiếp tục như thế.
“Các đồng chí ở đây cũng thấy không khí ngày đó. Quà tặng của các gia đình với nhau là con họ học hết lớp nọ lớp kia mình đến hỏi thăm xem sách họ còn quyển gì để mình xin. Nếu như mình có thì mình tặng...”, vị Bí thư nói. Ông Nghĩa trăn trở: “Sách giáo khoa mà phục vụ một nhóm lợi ích thì ngành giáo dục sẽ đi đến đâu? Đất nước này sẽ đi về đâu?”.

Đỗ Chang – Hải Yến