Dân sinh

Dốc gia tài, liều lĩnh tìm "vàng" dưới tán rừng

Mô hình dược liệu quý hiếm nấm linh chi đỏ dưới tán rừng, được anh Hiệu mày mò nghiên cứu trồng thử nghiệm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Vàng" dưới tán rừng

Đã từ lâu, anh Nguyễn Công Hiệu, 43 tuổi, trú tại Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai luôn ấp ủ để xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng Tây Nguyên.

Sau một thời gian mày mò, nghiện cứu anh Hiệu cùng nhóm bạn của mình phát triển thành công mô hình nấm linh chi đỏ dưới tán rừng, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Anh Hiệu hướng dẫn bà con kỹ thuật để phát triển nhân rộng mô hình.

Dẫn chúng tôi dạo quanh khu đất rộng hơn 40ha tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, dưới tán rừng xanh, anh Hiệu phấn khởi nói: “Mô hình dược liệu quý này được nhân rộng người dân địa phương hưởng úng tham gia vừa phát triển kinh tế đại phương, vừa bảo vệ môi trường rừng”.

“Với 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1ha, nấm phát triển tốt, tỉ lệ sống tới 98%, cao hơn rất nhiều so với trồng trong nhà kính. Đặc biệt, chất lượng nấm linh chi trồng vượt trội vì thu hoạch đúng thời gian, dinh dưỡng cung cấp cho cây đầy đủ. Cứ 1.000 phôi nấm thu hoạch với trọng lượng 50kg. Mỗi cân nấm tươi bán ra thị trường với giá 500 nghìn đồng/kg, còn nấm phơi khô, hút chân không có giá 1,5 triệu đồng/kg”.

Nấm linh chi đỏ - dược liệu quý hiếm có giá thành 1,5 triệu đồng/kg thành phẩm. 

Để có được thành quả như ngày hôm nay anh Hiệu đã trải qua vô số lần thất bại, tiêu tốn rất nhiều tiền của. Sau nhiều lần thất bại rút ra kinh nhiệm, năm 2017, anh cùng chung vốn với nhóm bạn mua hơn 40ha đất và trồng keo lai tại huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai. Tận dụng rừng keo này, anh đã thử nghiệm trồng nấm linh chi dựa theo mô hình của một giáo sư.

Anh Hiệu đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chuyển giao, tích lũy nhiều kiến thức canh tác nấm. Ban đầu, anh Hiệu trồng nấm dưới tán cây bơ nhưng không hiệu quả. Vì lá, tán cây bơ rậm, che mất nhiều ánh sáng khiến nấm trồng kém phát triển. Ngoài ra, chi phí nhân công chăm sóc, làm cỏ lớn.

Năm 2022, anh Hiệu quyết định chọn tán cây keo để trồng gần 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1ha. Theo anh, dưới tán keo ít cỏ mọc, dễ vệ sinh. Ngoài ra, nhựa của lá keo rụng xuống cũng rất tốt cho đất nuôi phôi nấm.

Quyết định mạo hiểm

Anh Hiệu chia sẻ: "Để trồng 1ha nấm linh, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Đây là quyết định khá mạo hiểm khi bỏ ra số tiền lớn để mua nấm mang thử nghiệm. Nhiều người đã ngăn cản nhưng tôi vẫn quyết tâm, đánh liều thực hiện".

Hơn 4 tháng "ăn ngủ cùng nấm", anh Hiệu thu hoạch 1.000 phôi nấm đầu tiên với trọng lượng 50kg. Mỗi ký nấm tươi khi đó anh bán với giá 500 nghìn đồng còn nấm phơi khô, hút chân không có giá 1,5 triệu đồng/kg.

Anh Hiệu cho biết: "Trung bình, tôi đầu tư 1.000 phôi với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Với 1.000 phôi, tôi sẽ thu hoạch khoảng 3 - 4 lần, tổng lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. Thời điểm thu hoạch cần căn cho đúng để nấm không chuyển hóa thành gỗ, làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng quý".

Nấm linh chỉ đỏ phát triển tốt dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Sau khi thu hoạch xong, anh Hiệu làm sạch nấm và sấy khô để có thể bảo quản trong một thời gian dài. Cứ một cân nấm tươi sẽ thu được hơn 400g nấm khô thành phẩm.

Hiện nay, anh Hiệu vừa trồng hơn 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1ha rừng. Dự kiến, đến cuối năm 2022, anh sẽ trồng thêm 20.000 phôi để mở rộng diện tích.

Đồng thời, anh Hiệu đã thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Núi cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), hướng dẫn kỹ thuật cho bà con đồng bào trên địa bàn để mở rộng diện tích trồng nấm, phát triển kinh tế.

Anh Hiệu phấn khởi: "Chúng tôi đồng thời liên kết với những hộ có rừng trồng hoặc có nhu cầu trồng nấm dược liệu để mở rộng sản xuất. Hợp tác xã sẽ cung ứng phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư hỗ trợ ban đầu sẽ được khấu trừ khi người dân có sản phẩm bán cho hợp tác xã".

Ông Phạm Thành Phước, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: “Mô hình trồng dược liệu quý hiếm dưới tán rừng là mô hình mang tính chất đột phá. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng trưởng phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả phát hiện, ngăn chặn tình trạng phá rừng tại địa phương”.