Tiêu điểm thế giới

Không dùng lu, các nước trên thế giới chống ngập bằng cách nào?

Những ngày qua, ý kiến dùng lu để chống ngập của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Dân tộc học - Nhân học TP HCM) đã gây xôn xao dư luận dù theo bà Hồng Xuân đây là kinh nghiệm được Nhật Bản, Philippines sử dụng. Thực tế, các nước trên thế giới cũng có nhiều cách độc đáo để chống ngập hiệu quả.

Singapore – xây hồ tái sử dụng nước và chứa nước mưa  

Thông qua hệ thống sông, cống và kênh, nước mưa ở 2/3 diện tích Singapore được đưa vào 17 hồ chứa để xử lý trước khi đưa vào sử dụng.

Trong số này, công trình phức hợp đập - hồ chứa Marina là quan trọng nhất và được thế giới đánh giá rất cao. Người ta xây một con đập chắn ngang eo Marina dài 350m, tạo thành một hồ chứa nước ngọt, cung cấp khoảng 10% nước ngọt dành cho người dân ở đảo quốc sư tử.

Đập Marina có tác dụng ngăn không cho nước biển tràn vào đảo nhờ 10 cổng thoát nước ra biển. Nếu mưa lớn, hồ chứa sắp tràn, với điều kiện thủy triều thấp, 10 cổng thoát này được mở để nước đi ra biển.

Nếu gặp thủy triều cao, hệ thống bơm được sử dụng bơm hết một hồ bơi tiêu chuẩn Olympic trong vòng hơn 1 phút.

Venice là thành phố nằm trong một phá, gồm 124 hòn đảo. Đây từng là một trung tâm kinh tế của thế giới trong thời Trung cổ với 250.000 dân.

Ý - đê chắn sóng biển nổi

Chính phủ Ý đã phải mất rất nhiều thời gian xét duyệt và chi 8 tỉ USD để khởi công Mose - một đê chắn sóng biển nổi - trong năm 2003 tại ba vị trí cửa Lido, Malamoco và Chioggia để chống ngập.

Tổng cộng có 79 cánh cổng được đặt tại Lido, Malamoco và Chioggia. Mỗi cánh cổng rỗng ruột này dài 30m, rộng 20m và cao từ 4-5m. Cửa Lido là cửa lớn nhất nên cần đến 41 cổng và ở giữa phải xây một hòn đảo nhân tạo.

Bình thường, nước được bơm đầy vào cánh cổng khiến nó nằm sát xuống đáy biển. Nhưng khi có dự báo ngập lụt trên 1,1m, các kỹ sư dùng máy bơm đẩy hết nước ra ngoài và thay vào bên trong từng cánh cổng không khí nén. Trong vòng 30 phút, không khí nhẹ khiến cánh cổng nổi lên, tạo thành đê chắn góc 45 độ với mặt biển. Mỗi cánh cổng có thể hoạt động độc lập với nhau nên đê chắn này rất linh hoạt.

Công trình có thể hoạt động trong 100 năm, chống lại những con sóng cao đến 3m để bảo vệ thành phố Venice.

Nhật Bản - Công trình chống ngập dưới lòng đất

Năm 1993, chính phủ Nhật cho xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G. Dự án mất 13 năm để hoàn thành với kinh phí 3 tỷ USD. Công trình này còn được gọi bằng cái tên: điện Pantheon dưới lòng đất.

Công trình vĩ đại này gồm 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m được nối với nhau bằng đường ống dài 6,3km, đường kính 10m và nằm sâu dưới mặt đất 50m. Đường ống này sẽ dẫn tới một bể chứa nước khổng lồ cao 25m, dài 177m, rộng 78m.

Theo thông số thiết kế, hệ thống có khả năng xả 200m3 nước/giây ra sông Endo, tương đương lượng nước đầy trong một bể bơi chuẩn 25m.

Mỗi khi mưa lớn, nước sẽ được dẫn từ các trụ chứa tới bể chứa khổng lồ. Sau đó, người ta sẽ bơm nước từ bể chứa ra sông Endo với các máy bơm công suất lớn để tránh ngập cho toàn thành phố. Nhờ có nó, người dân Tokyo và các vùng lân cận đã tránh được các đợt ngập lụt nặng trong những năm qua.

Malaysia - Hầm thoát nước lớn

Để chống ngập, chính quyền Malaysia đã tiến hành xây dựng một đường hầm “2 trong 1” với công dụng thoát lũ và phục vụ giao thông. Đường hầm có tên Stormwater Management and Road Tunnel, viết tắt là SMART.

Trong điều kiện khô ráo, đường hầm sẽ được sử dụng bình thường để xe cộ lưu thông qua lại. Khi xảy ra tình trạng ngập, các phương tiện sẽ bị cấm đi qua hầm bởi khi đó nó biến thành một con kênh thoát nước để những con đường phía trên không bị ngập.

Hầm dài 9,7km, rộng 13m, có kinh phí xây dựng 500 triệu USD và được đánh giá là một trong những công trình thoát lũ hiệu quả đầu tiên trên thế giới.