Dân sinh

Độc đáo nghề nuôi ong rừng trong thân cây của đồng bào Xê Đăng

Từ thủa xa xưa, đồng bào Xê Đăng đã truyền nhau “bí quyết” dẫn dụ đàn ong rừng làm tổ trong các thân cây, thu hoạch được loại mật có giá trị đắt đỏ.

Ngược ngàn đi lấy mật

Theo người dân bản địa, đỉnh núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, ngọn núi nằm ở độ cao hơn hai nghìn mét, quanh năm sương mù phủ trắng. Với người Xê Đăng, huyện Tu Mơ Rông, bao đời nay chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi từ rừng già và trồng lúa nước. Từ ngàn xưa, người dân đã truyền tay nhau “bí quyết” dẫn dụ đàn ong rừng làm tổ trong những thân cây cộ thụ. Nhờ vậy, người dân thu hoạch được loại mật tự nhiên, thơm ngọt, có giá trị rất đắt đỏ trên thị thường hiện nay.

Người dân cải tạo các thân cây rỗng để dẫn dụ đàn ong rừng vào làm tổ.

Để mục sở thị kỹ nghệ nuôi ong độc đáo này chúng tôi có dịp cùng người dân bản địa nơi đây ngược ngàn đi lấy mật.

Từ sáng sớm, khăn gói đồ đạc chúng tôi theo chân anh Dip, xã Măng Ri, huyện Kon Plông, Kon Tum bắt đầu chuyến hành trình. Vừa đi, anh Dip kể, ban đầu trong những lẫn đi rừng người dân phát hiện các đàn ong rừng thường làm tổ trong các hốc rỗng thân của những cây cổ, gần bờ suối nơi có khí hậu ẩm thấp. Miệng tổ ngược theo hướng suối chảy, cũng không được ở trên cao, bởi gió nhiều ong không vào làm tổ. Cầm đảm bảo những điều khiện như thế đàn ông sẽ tự động kéo đến làm tổ không cần phải gây ong chúa như cách nuôi ong truyền thống hiện nay.

Với kinh nghiệm thâm niên nhiều năm dẫn dụ đàn ông về làm tổ, anh Dip hồ hởi khoe: “Anh hiện đang sở hữu 15 tổ ong, mỗi tổ sâu trên 50cm, rộng và cao 40cm nằm rải rác trong rừng sâu. Nhờ kinh nghiệm, thấu thiểu tập tính của đàn ong rừng những hốc cây mà mình tự tạo đều có ong về làm tổ.  Năm nay mất mùa nên chỉ 7 tổ có mật ong. Mỗi lần đi rừng, tôi thường ghé để kiểm tra lượng mật ong có được trong tổ. Lúc lấy cũng phải trừ một ít mật để ong tiếp tục làm thêm. Do là mật nguyên chất, ong thường lấy phấn của hoa rừng, dược liệu và đặc biệt là hoa của cây sâm Ngọc Linh nên giá trị rất cao từ 600 - 800 nghìn đồng/lít. Bình quân mỗi tổ ong mình gây nuôi được sẽ cho thu hoạch  từ 2 -3 lít/ tổ. Nhờ những tổ ong rừng trong hốc cây này mà mỗi năm mình đã thu về hơn 15 triệu đồng".

Mật ong rừng trên đỉnh núi Ngọc Linh thơm ngọt, tinh khiết được nhiều người ưa chuộng.

Giá trị kinh tế cao

Cùng đi với chúng tôi ông A Dục, 63 tuổi, người được người làng ví như “bậc thầy” trong nghề dẫn dụ ong rừng. Trong ba lô của ông Dục là bao nilon đựng mật, rìu và dao dùng để mở cửa tổ ong. Hiện nay, ông là người đang sở hữu rất nhiều tổ ong nằm ở khắp những cánh rừng trên đỉnh Ngọc Linh.

Chia sẻ với chúng tôi ông Dục cho biết: “Năm nay, sức yếu nên mình chỉ tạo mới được  khoảng 10 tổ cộng thêm 40 tổ từ những năm trước đã tạo ra. Thời đôi chân còn khỏe, băng rừng lội suối mình làm cả 100 tổ cây để nuôi ong. Thế nhưng, gần đây sức khỏe yếu, đôi chân đã mỏi mình sang nhượng lại bớt cho đám thanh niên trong làng”.

Theo ông Dục, khoảng tháng Ba, tháng Tư, ông đi thăm ong, tháng Năm tháng Sáu sẽ đi lấy mật. Lúc lấy mật, dùng tay nhẹ nhàng tuyệt đối không được dùng khói hoặc đốt lửa như thế đàn ong sẽ hoảng loạn bỏ đi.

Kỹ nghệ làm nhà cho đàn ong rừng, nhiều người dân có nguồn thu nhập cao.

"Mật ong ở đây toàn bộ đều là mật tự nhiên, được rất nhiều người săn đón, trên thị trường có giá rất cao. Do đó, mỗi lần đến thời điểm lên rừng thu hoạch mật người dân đến nhà mình từ mất ngày trước để đặt hàng. Trong làng những người nào có sức khỏe, chăm chỉ lên rừng đục càng được nhiều lỗ gây dựng được nhiều đàn ong rừng kéo về làm tổ thì thu nhập cũng rất khá” ông Dục nói.

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết toàn xã có hơn 500 hộ, hầu hết các hộ đều có vài tổ ong “nuôi” trên rừng để kiếm thêm trang trải cuộc sống. Người làm ít thu được vài chục lít mật, nhiều đến cả trăm lít.

Mật ong rừng núi Ngọc Linh rất được ưa chuộng bởi ong hút nhiều loại phấn hoa rừng, mật thơm ngon, bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, mật ong thường làm thuốc bổ cho người lớn và trẻ em, chữa loét dạ dày và ruột, an thần, chữa nhức đầu và một số bệnh thần kinh, ho khan, viêm họng, lở miệng, vết thương bỏng.