Văn hoá

Độc đáo hội thi chế tác tượng gỗ từ cây cà phê

Hội thi chế tác mỹ nghệ từ cây cà phê lan tỏa tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân và tạo hiệu ứng giữ gìn bảo tồn văn hóa, nghệ thuật của con người Tây Nguyên.

Đến với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, nhiều người dân và du khách không khỏi ấn tượng với những tác phẩm tượng gỗ tại Hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê. Với chủ đề “Văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên, con người Tây Nguyên”, Hội thi đã thu hút 53 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kom Tum.

Sau 3 ngày, các nghệ nhân đã hoàn thành 48 tác phẩm mỹ nghệ khắc họa đậm chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên.

Tại hội thi năm nay, chất liệu để nghệ nhân tạo nên tác phẩm mỹ nghệ là từ những gốc cà phê già.

Hội thi đã tạo cơ hội cho các nghệ nhân có dịp thể hiện niềm đam mê, sáng tạo trong nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ.

Qua đó, phát huy giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị cây cà phê, giúp người nông dân có thêm thu nhập sau khi phá bỏ cây cà phê già cỗi để tái canh. Đồng thời, góp phần chung tay quảng bá, giới thiệu tiềm năng, văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Nhiều du khách đến thăm quan, tỏ ra thích thú với những tác phẩm tượng gỗ làm từ cây cà phê.

Sau 3 ngày, các nghệ nhân đã hoàn thành 48 tác phẩm mỹ nghệ khắc họa đậm chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên.

Mỗi tác phẩm mang ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều được chế tác hoàn toàn thủ công và được tạo hình bởi ý tưởng và đôi tay tài hoa của người nghệ nhân. Các tác phẩm hoàn thiện sẽ được giới thiệu đến nhân dân và du khách.

Tham gia Hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê, nghệ nhân Y Ser Bkrông, SN 1985, trú tại xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và 2 người bạn đã tạo ra 6 tác phẩm tượng gỗ dân gian từ nguyên liệu là gốc cà phê gồm 3 chủ đề: Lễ hội; Đi rẫy và Cô gái tắm.

Mỗi tác phẩm đều mang ý nghĩa riêng.

Nghệ nhân trẻ Y Ser Bkrông chia sẻ: “Cây cà phê rất khó tạc vì nó nhỏ và gốc cà phê có nhiều nu. Tuy nhiên, nếu làm tượng dân gian mà phải phá nu thì tác phẩm sẽ không còn giá trị. Do đó, khi chế tác, nghệ nhân phải thao tác rất tỉ mỉ, cẩn thận giữ lại và thổi hồn cho từng cái nu trên gốc cây cà phê”.

Mang đến hội thi một sắc thái khác với tác phẩm “Lễ bỏ mả người Gia Rai”, nghệ nhân ưu tú Y Nay Ksơr, trú xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Mỗi khi buôn làng có Lễ bỏ mả, người trong buôn làm tượng để cúng bỏ mả và đặt 4 bức tượng này vào 4 góc tượng trưng 4 hướng. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, người chết về với rừng nên bức tượng có hình các con vật trong rừng, búp măng và khuôn mặt người quá cố”.

Từ những gốc cây cà phê già cỗi, các nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm độc đáo, thể hiện nét văn hóa của người dân Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng nhận định, hội thi đã lan tỏa được tinh thần sôi nổi, tích cực, ý tưởng, sáng tạo của các nghệ nhân, tạo hiệu ứng tích cực trong việc giữ gìn bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật của con người Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các nghệ nhân tiếp tục phát huy tài năng, truyền dạy, bồi dưỡng lớp trẻ để tiếp tục phát triển văn hóa, thủ công mỹ nghệ của Tây nguyên nói chung và Việt Nam nói chung.

Nghệ nhân Y Ser Bkrông nói về ý nghĩa của từng tác phẩm tượng gỗ.

Các tác phẩm hoàn thiện sẽ được giới thiệu đến nhân dân và du khách.

Khánh Ngọc