Thế giới

Doanh số bán nhà của Trung Quốc sụt giảm giữa làn sóng tẩy chay

Doanh số tháng 7 đã phản ánh những tác động ban đầu đến lĩnh vực bất động sản do hàng loạt người mua nhà trên toàn quốc từ chối thanh toán thế chấp.

Một trăm nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc đã ghi nhận ​​doanh số bán nhà sụt giảm hơn nữa trong tháng 7. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng tẩy chay thế chấp đang gia tăng trên khắp đất nước đã gây sức ép đối với niềm tin của người mua nhà.

Tổng doanh số bán nhà theo hợp đồng trong tháng 7 đã giảm 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 523,1 tỷ NDT (78 tỷ USD), theo dữ liệu của Công ty Thông tin bất động sản Trung Quốc (CRIC). Nguyên dân do nhu cầu về nhà ở trở nên trì trệ trong bối cảnh kinh tế suy thoái bất chấp chính phủ đã tung ra những nỗ lực để kích thích mua nhà.

CRIC cho biết tốc độ sụt giảm trong tháng 7 đã hẹp hơn so với mức giảm 43% của tháng trước đó. Tuy nhiên, tổng doanh số bán hàng đã giảm mạnh 49% trong 7 tháng đầu năm nay. Đây là mức giảm tương đối mạnh so với mức độ sụt giảm trong giai đoạn cùng kỳ những năm trước, báo cáo của CRIC nhận định.

Số liệu doanh số mới đã phản ánh những tác động ban đầu đến lĩnh vực bất động sản do hàng loạt người mua nhà trên toàn quốc từ chối thanh toán các khoản thế chấp đối với các dự án bị đình trệ. Cụ thể, từ ngày 12/7, những người mua của hơn 230 dự án bất động sản tại 86 thành phố Trung Quốc đã cùng nhau từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp đối với dự án nhà rao bán trước khi hoàn thiện.

Việc phục hồi hoạt động bán nhà có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn tiền cho các nhà phát triển đang nợ nần chồng chất như China Evergrande Group cũng như giảm áp lực đối với các ngân hàng và nền kinh tế. CRIC cho biết trong báo cáo: “Nhu cầu thị trường nói chung và sức mua đã bị sụt giảm, niềm tin vào ngành bất động sản hiện cũng ở mức thấp".

Khu dân cư thương mại phức hợp ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc vào ngày 28/6/2022. Ảnh: Getty Images.

Chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực giải cứu lĩnh vực bất động sản quan trọng, trong bối cảnh những động thái đàn áp đòn bẩy tài chính và ngăn tình trạng đầu cơ mà chính phủ thực hiện trước đó đã ảnh hưởng đến nhu cầu.

Một số nhà phát triển bất động sản đã rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản và bỏ lỡ hạn thanh toán trái phiếu nước ngoài. “Nếu xu hướng này lan rộng, nó có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây bất lợi cho việc bán bất động sản và sự ổn định của hệ thống tài chính", tờ Thời báo Chứng khoán được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đưa ra nhận định trong tháng 7.

Giới chức trách Trung Quốc đã giảm chi phí đi vay, chi phí trả trước cùng các biện pháp khác để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Lĩnh vực này ước tính đóng góp khoảng 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trung Quốc cũng đã thúc giục các ngân hàng tăng cường cho hoạt động cho vay đối với các hãng xây dựng để hoàn thành dự án. Vào tháng trước, Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố sẽ duy trì sự ổn định của thị trường bất động sản.

CRIC cho biết chính quyền địa phương trên khắp đất nước dự kiến tăng cường kích thích chính sách bất động sản, với các thành phố cấp 2, cấp 3 và cấp 4 của đất nước ​​sẽ giảm những hạn chế hơn nữa.

Theo báo cáo của CRIC, các thành phố hiện chịu áp lực lớn từ sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản có thể sẽ thực hiện biện pháp tài khóa để kích thích mua nhà và ổn định thị trường. Việc đảm bảo giao các dự án nhà ở là nhiệm vụ quan trọng đối với các hãng xây dựng như tuyên bố đã được nhấn mạnh tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc mới nhất.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, SCMP)