Góc nhìn luật gia

Doanh nghiệp Việt và bài học từ việc tranh chấp con ốc vít xuyên biên giới

Xuất phát từ thực tế có nhiều tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, nên việc bảo vệ quyền này đang đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Tranh chấp con ốc vít xuyên biên giới

Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tài sản trí tuệ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình giá trị của các doanh nghiệp Việt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường Thương mại điện tử (TMĐT). Ai cũng biết, TMĐT mang lại rất nhiều lợi ích, giúp con người tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, nhưng môi trường kinh doanh này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và còn thiếu quan tâm đến việc chủ động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình.

Nếu không nhận thức rõ các quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải đối mặt với các thủ tục kiểm soát đặc biệt và có nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với tranh chấp, kiện tụng.

Theo chia sẻ của TS.LS Vũ Văn Tính – Giám đốc Công ty Luật TNHH LT & Cộng Sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trên thực tế đã có rất nhiều tranh chấp xảy ra xoay quanh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ: "Các tranh chấp này thường có tính chất phức tạp bởi tính xuyên biên giới và tính vô hình của tài sản trí tuệ. Do đó việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam”.

TS.LS Vũ Văn Tính – Giám đốc Công ty Luật TNHH LT & Cộng Sự.

Vào năm 2015, một vụ tranh chấp về quyền sở hữu đối với sáng chế một con ốc vít đã xảy ra giữa một Công ty của Mỹ và một công ty Đài Loan (Trung Quốc).

Trước đó, vào năm 2010, một kỹ sư người Mỹ đã sáng chế ra một mẫu ốc vít mới với một đường rãnh nằm ngang ở phía mũi khoan làm cho ốc được xoáy vào nhanh và không làm cho bề mặt bị nứt, vỡ. Kỹ sư đã chuyển giao sáng chế cho Công ty của Mỹ nơi ông ta làm việc.

Với mục đích thương mại hóa sáng chế, Công ty Mỹ đã ký hợp đồng gia công sản phẩm ốc vít với một Công ty Đài Loan. Theo Hợp đồng gia công, Công ty Đài Loan sẽ thiết kết và sản xuất ốc vít theo yêu cầu và bản mô tả sáng chế của Công ty Mỹ.

Tuy nhiên, khi Công ty Mỹ chuyển giao các thông tin về sáng chế để Công ty Đài Loan thiết kế và sản xuất thử thì Công ty Đài Loan đã lén dùng bản mô tả sáng chế và các thông tin có được từ Công ty Mỹ để nộp đơn đăng ký Sáng chế ốc vít tại Đài Loan và Việt Nam. Tại Đài Loan, sáng chế của Công ty Đài Loan đã được cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp bằng sáng chế.

Ngay khi phát hiện sự việc, Công ty Mỹ đã tham vấn ý kiến luật sư và đồng loạt khởi kiện tại Đài Loan và Việt Nam. Tại Đài Loan do sáng chế của Công ty Đài Loan đã được cấp bằng sáng chế nên họ phải khởi kiện đề nghị huỷ bằng sáng chế đã cấp. Cơ quan có thẩm quyền về SHTT của Đài Loan đã chấp nhận đơn của Công ty Mỹ và huỷ bằng sáng chế đã cấp cho Công ty Đài Loan.

Tại Việt Nam, đơn đề nghị cấp bằng sáng chế của Công ty Đài Loan đã nộp lên Cục SHTT.

Luật sư Tính cho biết: “Ngay sau khi phát hiện việc nộp đơn không trung thực của Công ty Đài Loan tại Việt Nam, chúng tôi đã đại diện cho Công ty Mỹ lập tức nộp đơn phản đối cấp bằng sáng chế cho Công ty Đài Loan với lý do Công ty Đài Loan không có quyền nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên do Cục SHTT của Việt Nam không có chức năng thẩm định chứng cứ chứng minh quyền nộp đơn đăng ký sáng chế thuộc về bên nào nên sau khi nhận được đơn phản đối, Cục SHTT đã hướng dẫn Công ty Mỹ nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để toà xác định quyền đăng ký sáng chế ốc vít. Phải mất gần một năm sau đó Toà án nhân dân TP Hà Nội mới ra phán quyết tuyên bố Công ty Đài Loan không có quyền đăng ký sáng chế ốc vít theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam”.

Nói về một số khó khăn khi giải quyết vụ việc, Luật sư Tính chia sẻ: Khó khăn đầu tiên trong vụ kiện này là việc phải chuyển dịch các thông tin tài liệu từ tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Trung) sang tiếng Việt để nộp cho toà án.

Dù con ốc vít bé nhỏ nhưng tài liệu mô tả về sáng chế phải lên đến hơn 200 trang tài liệu. Khó khăn thứ hai là vụ kiện liên quan tới ba hệ thống pháp luật (Mỹ, Đài Loan, Việt Nam). Vì vậy ngoài việc phải có các kiến thức về sở hữu trí tuệ liên quan đến sáng chế, luật sư còn phải nghiên cứu tài liệu và tham vấn các luật sư của cả Mỹ và Đài Loan để có một bài bào chữa thuyết phục trước toà.

Khó khăn thứ ba là do bị đơn là người nước ngoài, vì vậy luật sư phải kết hợp với toà án để tống đạt các văn bản tố tụng theo đúng quy định của các công ước quốc tế về hỗ trợ tư pháp. Vì vậy vụ kiện mới phải kéo dài mất gần 1 năm.

Bài học cho doanh nghiệp

“Nhìn từ vụ việc trên, chúng tôi cho rằng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại các quốc gia có nền tư pháp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển,…mỗi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dù chỉ là các sáng chế nhỏ nhất cũng đều phải được xử lý một cách khắt khe, triệt để, nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của tác giả/người sáng chế một cách tối ưu nhất”, Luật sư Tính phát biểu.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Văn Tính nhấn mạnh: Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn nữa về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ, từ đó nâng cao ý thức chủ động trong việc xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng; đồng thời doanh nghiệp cần xây dựng các cơ chế để kiểm soát hiệu quả các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các hành vi xâm phạm để thực hiện quyền phản đối, khiếu nại và tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chưa có bộ phận pháp chế chuyên trách, trong quá trình ký kết, xác lập các giao dịch thương mại liên quan đến việc chuyển giao, sử dụng các tài sản trí tuệ, cũng cần có sự tham vấn của đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn luật để hỗ trợ soạn thảo hợp đồng và tham gia quá trình đàm phán nhằm ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy đến đối với doanh nghiệp.