Tiêu dùng & Dư luận

Doanh nghiệp Việt chưa nắm vững về chính sách phòng vệ thương mại

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp hay hiệp hội doanh nghiệp hiện nay chưa nắm vững hoặc hiểu biết nhất định về chính sách phòng vệ thương mại.

Tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Tại hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" sáng 27/10, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI) - cho hay, với 13 hiệp định thương mại tự do hiện đang có, đặc biệt là Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. 

Điều này cũng khiến cho tình trạng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy, phòng vệ thương mại được đưa ra, bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Đây là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện này.

Tuy nhiên, theo bà Trang, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội chưa biết về các chính sách, phòng vệ thương mại hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng cục Phòng vệ thương mại (bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc có khả năng dính vào những vụ việc phòng vệ thương mại quốc tế nhiều hơn.

Theo ông Dũng, từ vụ việc đầu tiên hồi năm 2003 đến nay, các vụ việc bị khởi xướng điều tra đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng khoảng 12 tỷ USD. Con số này không phải là hàng Việt Nam bị thiệt hại, mất đi mà là tính toán mang tính tương đối trên cơ sở là kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng đó vào năm liền trước.

Nói về vấn đề này, ông Dũng lấy ví dụ về việc khi Mỹ khởi xướng điều tra với sản phẩm tôm của Việt Nam thì 80% kim ngạch của mặt hàng này vẫn xuất khẩu vào thị trường Mỹ bình thường chứ không phải tất cả tôm bị ảnh hưởng. Dù vậy, Việt Nam đã kháng kiện thành công, tức không bị áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp, đối với 65/151 vụ.

Gỗ là một trong những mặt hàng thường xuyên bị kiện phòng vệ thương mại.

“Trong thời gian tới, số vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam chắc chắn còn gia tăng, nhưng ở góc độ tích cực là hàng của Việt Nam xuất khẩu nhiều, tăng nhanh thì mới bị điều tra phòng vệ”, ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp trong nước nên thay đổi tư duy, từ việc bị động thì nên chủ động để phòng tránh việc bị kiện phòng vệ thương mại.