Kinh tế vĩ mô

Doanh nghiệp tư nhân: Bộ phận tiên phong cho đổi mới sáng tạo

Trong thời kỳ chuyển giao, KHCN hay ĐMST đóng vai trò như nhân tố cốt lõi, giúp gia tăng sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm thị trường.

Đơn giản hoá thủ tục về chuyển giao công nghệ

Ngày 25/3, phát biểu tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN đã nhận định, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hoá các thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KHCN mà của tất cả các ngành, các cấp. 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN

Về phía Bộ KHCN, Bộ trưởng cho biết, một trong những nội dung quan trọng được Bộ đặc biệt quan tâm hiện tại và cả giai đoạn tới, đó là đơn giản hoá thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường sự công khai, minh bạch trong việc quản lý công tác này.

Mặt khác, để hoàn thành nhiệm vụ này, rất cần được sự tham gia tích cực và đồng hành xuyên suốt của tất cả các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…

Qua đó, cần sự nỗ lực để huy động tối đa các nhà khoa học, các tổ chức KHCN và các doanh nghiệp trên toàn quốc để tham gia các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm anh ninh quốc phòng.

Về vấn đề này, TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời kỳ đổi mới, KHCN hay đổi mới sáng tạo (ĐMST) đóng vai trò là nhân tố cốt lõi giúp gia tăng sức cạnh tranh và chất lượng các sản phẩm thị trường. 

Trong đó các trường đại học, viện nghiên cứu chính là nơi tạo ra những kiến thức mới, tài sản trí tuệ mới giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.

TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Việc phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành Hệ sinh thái ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển, có thể tạo liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích tương hỗ.

Do đó cần thiết phải xây dựng đồng bộ về thể chế để phát huy hết tiềm lực, tạo động lực nền tảng cho sự phát triển trong thời đại mới.

Nhất là sau đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư cho sự phát triển, đổi mới công nghệ, đặc biệt nhu cầu này càng cao ở khối doanh nghiệp tư nhân - bộ phận tiên phong cho ĐMST, chính vì vậy đây là cơ hội của thời đại.

Bài học chuyển giao từ Châu Âu

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch mạng lưới ĐMST Việt Nam tại Châu Âu chia sẻ, tại Đức, một trong những mô hình được áp dụng và đem đến nhiều kết quả khả quan, đó là cho phép các startup được mở và hoạt động trong trường đại học, từ đó, họ có thể dùng chính sản phẩm sáng tạo bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu để ứng dụng vào thị trường.

Điều này hoàn toàn có thể thực hiện tại Việt Nam - một thị trường ĐMST đầy tiềm năng, song cần sự đồng hành và hỗ trợ rất nhiều từ những cơ quan cấp quản lý.

Ông cho biết thêm, mô hình chuyển giao đơn giản nhất hiện tại là một bên có công nghệ và một bên nhận công nghệ, đây là loại mô hình tương tác bền vững. 

Bởi hai bên không chỉ gặp nhau và chuyển giao công nghệ, mà đó là sự hỗ trợ lẫn nhau cả về nhân lực và tài chính. Điều này có thể cho thấy kết quả ngay lập tức, mặt khác khi duy trì được sự tương tác hai bên, có thể tạo ra kết quả tích cực về mặt dài hạn.

Tại Đức, doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ thành công, cần đạt được 4 điều kiện cơ bản: bên chuyển giao, bên tiếp nhận, nhân lực và mô hình chuyển giao

Tuy nhiên, để bền vững, hai bên cần đạt được những điều kiện căn bản của chuyển giao công nghệ. Ông Việt Anh đưa ra bài học từ các doanh nghiệp Đức, sẽ gồm 4 điều kiện cơ bản.

Thứ nhất, đơn vị muốn chuyển giao công nghệ là ai. Đó có thể là trường đại học, doanh nghiệp, startup, viện nghiên cứu.

Thứ hai, đơn vị có khả năng tiếp nhận. Đơn vị phải là doanh nghiệp có đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ đó như nhà sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, về vấn đề vốn đầu tư - điều quan trọng nhất của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần phải được chuẩn bị thì quá trình chuyển giao mới có thể suôn sẻ.

Thứ ba, vấn đề nhân lực. Nếu không có đủ lượng và chất từ đội ngũ nhân lực, việc chuyển giao cũng sẽ hết sức khó khăn. 

Khi có cơ chế và nguồn nhân lực tốt thì chúng ta sẽ có giải pháp tốt, tầm nhìn tốt về phát triển KHCN, đầu tư mạo hiểm, hợp tác nhằm tăng GTGT theo từng giai đoạn.

Thứ tư, mô hình chuyển giao. Về điều này, ông Việt Anh cho biết, mô hình hiện tại các doanh nghiệp Đức rất mong muốn được kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam là mô hình doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp tại Châu Âu có công nghệ, có vốn, sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp hoặc trường đại học tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ.