Tiêu dùng & Dư luận

Tp.Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp loay hoay xin giấy đi đường khi tiếp tục giãn cách

Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động thiết yếu loay hoay với thủ tục giấy đi đường khi Tp.HCM tiếp tục thực hiện 2 tuần tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thời gian 2 tuần thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại Tp. Hồ Chí Minh đã bắt đầu từ 25/8. Thế nhưng, hàng trăm doanh nghiệp vẫn loay hoay vì mẫu giấy đi đường sau 2 ngày được cấp lại có thay đổi, phải làm thủ tục lại từ đầu.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất bị hạn chế số lượng nhân viên được cấp giấy đi đường.

Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thực hiện hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan.

Các doanh nghiệp khác chỉ nhận được 10% giấy đi đường cho tổng số nhân viên cần thiết duy trì hoạt động bình thường.

Do đó, việc thay đổi liên tục quy trình đăng ký cấp giấy đi đường đã khiến doanh nghiệp loay hoay không biết hỏi ai, trong khi đối diện với thiệt hại nặng nề, nguy cơ phải đền bù đơn hàng xuất khẩu.

Để nhận được giấy đi đường, các doanh nghiệp phải đăng ký danh sách online. Sau đó, sở Công Thương Tp xét duyệt hồ sơ, cấp 1-2 giấy đi đường cho các công ty làm dịch vụ xuất nhập khẩu chuyên nghiệp.

Trước khi vào nhận giấy đi đường mẫu mới, các doanh nghiệp phải điền thông tin doanh nghiệp, xếp hàng chờ đến lượt. Và sau khi nhận giấy lại tiếp tục điền toàn bộ thông tin vào giấy đi đường mới để đi đường không bị phạt.

Nhiều doanh nghiệp chỉ mới nộp hồ sơ online vài ngày, song cũng có doanh nghiệp cho biết đã nộp từ ngày 22/8 đến nay qua email.

Các doanh nghiệp đề xuất giấy đi đường cần áp dụng mã QR thay mẫu giấy đi đường để có thể nộp và nhận online, thay vì phải trực tiếp đến nhận và cầm giấy mỗi khi ra đường.

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đang quá tải nên mong doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn.

Hiện nay, sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh chỉ giải quyết giấy đi đường để nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu (nhân viên thuộc doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa) di chuyển từ trụ sở doanh nghiệp đến cảng (hàng không, hàng hải) và trở về.

Trường hợp cần đi lấy C/O, chứng thư kiểm định,…, doanh nghiệp và người lao động phải ghi cụ thể lộ trình. Còn những trường hợp không ghi rõ địa chỉ sẽ không được giải quyết.

Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cũng chỉ giải quyết tối đa 2 giấy đi đường cho 1 doanh nghiệp. Trường hợp đặc thù (do quy mô lớn, chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa,…) thì doanh nghiệp có giải trình cụ thể đối với từng nhân viên.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã được cấp giấy đi đường theo mẫu cũ từ ngày 23-24/8/2021 thì không cần thực hiện thủ tục cấp lại.

Doanh nghiệp cầm bản chính giấy đi đường bản cũ đến sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh để đổi mẫu mới của Công an Tp.Hồ Chí Minh.

Đối với những doanh nghiệp chưa được cấp giấy đi đường thì phải thực hiện đăng ký để giải quyết đồng bộ theo quy trình mới.

Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh được điều động giám sát khu vực trước cổng sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp.Hồ Chí Minh cho hay, với chỉ đạo của Chính phủ và UBND Tp. Hồ Chí Minh, việc kiểm soát giao thông theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ với phương châm “ai ở đâu ở đó”.

Do yêu cầu giãn cách xã hội nên Công an Tp. Hồ Chí Minh phải cân nhắc kỹ trong việc cấp giấy đi đường, và cũng có một số đơn vị chưa nghiêm chỉnh chấp hành.

“Những người được cấp phép đi đường phải là đối tượng thật sự thực hiện nhiệm vụ, công tác cần thiết chứ không thể thả nổi, mất kiểm soát”, thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Sau khi thẩm định, Công an Tp. Hồ Chí Minh phát hiện có một số doanh nghiệp đăng ký hơn 60 giấy đi đường. Trong khi những công việc cần thiết về hậu cần, tài chính thì chỉ cần 2 – 3 người, thậm chỉ chỉ 1 người là đủ.

“Chúng tôi phải xem xét, đánh giá kỹ từng trường hợp. Nếu cần thiết sẽ có điều chỉnh, Công an Tp. Hồ Chí Minh không tự ý quyết định, mà số lượng giấy cấp ra đều có báo cáo UBND Tp. Hồ Chí Minh, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định”,  thượng tá Lê Mạnh Hà nhận định.

Đối với giấy đi đường mẫu cũ, sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã nỗ lực cấp 80.000 giấy lưu thông cho các hệ thống phân phối, các đối tượng liên quan.

Nhưng theo tiến độ và năng lực, sở Công Thương Tp nhận thấy không đủ sức cấp phát toàn bộ giấy đi đường cho tất cả các loại hình hoạt động kinh doanh nên đã kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh phân cấp lại.

Theo văn bản 2800 của UBND Tp. Hồ Chí Minh, sở Công Thương Tp chỉ cấp giấy đi đường cho ba loại hình gồm: Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối; nhân viên phục vụ của hệ thống phân phối, nhân viên điện lực; nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đến ngày 24/8, do mẫu giấy đi đường có thay đổi từ Công an Tp.Hồ Chí Minh nên sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan khác phải cấp lại từ đầu.

Trong khi sở Công Thương nhận được số lượng đăng ký giấy đi đường là hơn 100.000 đề nghị, nhưng chỉ nhận được 40.000 form mẫu giấy từ phía Công an Tp. Hồ Chí Minh.

Do đó, sở Công Thương Tp đã tính toán lại, quyết định cắt giảm số lượng cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, có những đơn vị không thể cắt giảm như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung ứng hàng hóa cho người dân.