Góc nhìn luật gia

Doanh nghiệp ngỡ ngàng khi lao động nữ muốn nghỉ 30 phút vì “đèn đỏ”

Chuẩn bị thực thi Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực từ năm 2021, khoa Luật học trường đại học Bình Dương đã tổ chức hội thảo với nhiều chuyên gia, cán bộ,...

Ngày 31/10, khoa Luật học trường đại học Bình Dương đã tổ chức hội thảo nhằm đánh giá những tác động của Bộ luật Lao động 2019 đối với doanh nghiệp.

Nhiều giảng viên, luật sư, cán bộ Nhà nước (TAND, Liên đoàn Lao động, hội Luật gia,…) đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh các quy định sắp đi vào đời sống.

Đáng chú ý, Th.s Vũ Thị Nga nêu ra thực tế về việc mặc dù đã có quy định nhưng người lao động nữ vẫn rất khó khăn để được nghỉ 30 phút trong những ngày “đèn đỏ”.

“Có nhiều trường hợp, khi lao động nữ nêu thắc mắc với người quản lý, họ bị phía công ty nhìn như...người ngoài hành tinh. Thậm chí, có chỗ còn đòi hỏi người lao động nữ phải chứng minh về “đèn đỏ” mới cho hưởng chế độ”, bà Nga dẫn chứng.

Vì vậy, dù quy định pháp luật đã nói rõ, nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút vào ngày “đèn đỏ” thì doanh nghiệp phải trả thêm phụ cấp, nhưng thực tế lại khó áp dụng.

Hội thảo của khoa Luật học, trường đại học Bình Dương mong muốn tìm ra giải pháp cho các vấn đề trong quan hệ lao động.

Bình luận thêm, TS. Nguyễn Bình An cho rằng: “Đây là vấn đề khá nhạy cảm với phụ nữ. Chắc chắn không có công ty nào yêu cầu lao động nữ khai báo về ngày “đèn đỏ” để giải quyết chế độ. Có lần tôi đã đề xuất cho 1 đơn vị, các lao động nữ được hưởng 1,5 tiền lương của 4 ngày mỗi tháng”.

Còn phía Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng nói về bất cập khi thực hiện chế độ này.

Đặc thù của địa phương là tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng nghìn công nhân. Nếu mỗi ngày đều có 20 hay 30 công nhân nữ xin nghỉ 30 phút thì phòng y tế không đáp ứng được.

Hay phần lớn các công xưởng, xí nghiệp vận hành theo dây chuyền máy móc đòi hỏi tuân thủ quy trình. Nếu 1 công nhân rời vị trí cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất công việc.

“Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình qua bảng tin, sổ tay. Còn lao động nữ có nghỉ trong ngày “đèn đỏ” hay không là lựa chọn của họ.

Cho nên, có nhiều doanh nghiệp đã thỏa thuận với công đoàn cơ sở để bồi dương thêm một khoản tiền để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Đặng Tấn Đạt, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật nhấn mạnh.

Hiện, đang có dự thảo Nghị định để làm rõ quy định về bình đẳng giới. Nếu lao động nữ không nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ”, doanh nghiệp sẽ trả lương tương xứng với thời gian làm việc theo hợp đồng lao động.

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, sau gần 30 năm đi vào cuộc sống, từ Bộ luật Lao động 1994 cho đến Bộ luật Lao động 2019 đã tạo ra các chuẩn mực cho những chủ thể tham gia thị trường lao động.

Từ đó làm rõ nhiều chế định về quyền của người sử dụng lao động, quyền quản lý lao động, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Về mặt tích cực, Bộ luật Lao động 2019 đã giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ lao động, tăng tính tự chủ với người sử dụng lao động, thiết lập cơ chế đảm bảm sự tự do thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động.

Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính trong quá trình lao động, bảo đảm sự tương thích cơ bản với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 vẫn có hạn chế khi một số quy định mới chưa được đề cập, hướng dẫn hay giải thích rõ ràng, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đến quyền quản lý lao động của người sử dụng lao động.

Hành lang pháp lý càng được hoàn thiện sẽ có tác động tích cực đến việc tuân thủ và áp dụng pháp luật đối với việc quản lý lao động.

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đại diện người lao động và chính bản thân người lao động có thể đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật thông qua nội quy, quy chế được ban hành.