Chính sách

Doanh nghiệp gặp tình trạng "tiền vào ít nhưng tiền chi ra liên tục"

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19 đã đạt được hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong việc đưa chính sách vào thực tiễn.

Dịch Covid-19 gây tổn thất đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Theo số liệu mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 8 tháng đầu năm đã có 85,5 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Với các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chỉ có 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do thực hiện được "3 tại chỗ", còn 80-85% nhà máy đã phải ngừng sản xuất. 

Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thêm "sức đề kháng" cũng như nguồn lực để khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, đáng chú ý là các chính sách về giảm thuế, hỗ trợ về tín dụng. Mới đây, Chính phủ đã trình gói hỗ trợ miễn, giảm thuế lên tới 21,3 nghìn tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ này bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để khắc phục khó khăn. 

Tại diễn đàn chính sách trực tuyến Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế đánh giá gói hỗ trợ này đã miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp có thể dùng số tiền này làm những việc khác cấp bách hơn: trang trải các chi phí hỗ trợ người lao động, phòng dịch…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trước tiên cần thông tin kịp thời. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết các ngân hàng đều đã triển khai các thông tư của Nhà nước. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc sớm để hỗ trợ, giảm dần tỉ lệ nợ xấu. Ông cho biết thuận lợi trong quá trình triển khai là có các Chính sách ban hành kịp thời, ngoài ra, Ngân hàng có nguồn lực mạnh nên có thể giải quyết nhanh.

"Phía ngân hàng xác định được khách hàng và ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, cùng chia sẻ lợi ích. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là giúp cho ngân hàng", ông nói.  

Dưới góc nhìn đại diện cho những doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI đánh giá cao tính trợ lực của các chính sách. Nhiều doanh nghiệp phản ánh các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, ý nghĩa. VCCI ghi nhận tỉ lệ doanh nghiệp được nhận hỗ trợ về thuế cao. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá hoạt động truyền thông của ngành thuế hoạt động tốt, góp phần giúp chính sách đến với cuộc sống. "Nhờ hoạt động truyền thông, người dân, doanh nghiệp biết về chính sách, hiểu ý nghĩa, thủ tục nhận hỗ trợ qua các hoạt động truyền thông đến từng cấp cơ sở cho các đối tượng được tiếp cận", bà nói. 

Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc triển khai chính sách hỗ trợ vẫn gặp khó khăn do thực chất, các tổ chức ngân hàng, tín dụng cũng là doanh nghiệp. "Họ hỗ trợ doanh nghiệp và phải dùng chính lợi nhuận của mình chia sẻ với các doanh nghiệp khác. Điều này tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai đặc biệt là những khoản nợ đã tính phương án dự thu nhưng chưa thu được", ông Hùng nói.

Đánh giá lợi nhuận ngân hàng trong tương lai, ông Hùng cho rằng, có thể sụt giảm đáng kể do từ đầu năm nay, lượng tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng giảm nên khả năng huy động vốn giảm theo. 

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, các giải pháp đưa ra tác động tích cực đến doanh nghiệp tuy nhiên chưa thật sự đúng với kỳ vọng và quy mô. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy lại cho biết, hiện, khó khăn nhất là "sức khỏe tài chính" bởi lượng tiền vào ít nhưng tiền chi ra liên tục.

Với các chính sách thuế, phí, theo bà Thuỷ ngân sách còn nhiều áp lực nên không thể có quyết sách quá mạnh như cộng đồng kỳ vọng. "Chính sách áp dụng chủ yếu cho số đông, chưa có chính sách đi vào những nhóm đặc thù. Nguồn lực Nhà nước vừa phải và đang phải san đều", bà nói. 

Với các chính sách liên quan đến mảng ngân hàng, bà Thuỷ đánh giá quá trình thực hiện ở các ngân hàng chưa đồng nhất. Điều kiện để nhận hỗ trợ vẫn còn khoảng cách giữa các quyết sách. 

Còn về các khó khăn từ phía doanh nghiệp, theo bà Thuỷ, khó khăn đầu tiên là ở việc hiểu được chính sách. Nước ta có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự hiểu biết về các văn bản pháp luật của các doanh nghiệp không giống nhau. Các chính sách Nhà nước đưa ra năm 2020 đã có nhiều phản hồi về sự bức xúc trong phát sinh giấy tờ khi nộp hồ sơ. Thực tế là họ chưa nắm được kỹ nên dẫn đến kết quả thụ hưởng không cao. Năm 2021 đã có nhiều cải thiện nhưng cách truyền đạt chính sách vẫn chưa nhiệt tình. 

Tiếp theo, bà Thuỷ cho biết đôi khi thời gian và công sức doanh nghiệp bỏ ra để nhận hỗ trợ và khoản tiền nhận hỗ trợ chênh nhau. Nhiều quy trình thủ tục phải chứng minh hàng tập hồ sơ nhưng hỗ trợ nhận được ít nên các doanh nghiệp từ bỏ. 

Với các chính sách Nhà nước đưa ra, bà Thuỷ đánh giá mức độ phản ứng nhanh. "Tuy nhiên, chính sách mới tập trung ở vấn đề giảm thu chứ chưa chú trọng nhiều đến tăng chi", bà Thuỷ nói thêm.

Ngoài ra, các chính sách hiện thực hiện thực hiện trong thời gian là Quý III, IV/2021 trong khi các doanh nghiệp phản hồi có thể đến giữa năm 2022 mới có thể bình thường trở lại nên chính sách phải dài hạn và tương xứng hơn. Đặc biệt, một số chính sách hỗ trợ đang thiết kế ở mức hoãn chứ chưa phải giảm. Bà Thuỷ hy vọng các giải pháp cần mạnh hơn để cải thiện tình trạng này.

Cần kênh đối thoại với doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trước tiên cần thông tin kịp thời. "Nếu các chính sách phản ứng nhanh, chỉ ban hành cách vài ngày so với ngày doanh nghiệp phải nộp thuế, việc thông tin càng quan trọng", bà Hà cho hay.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần thừa nhận bộ máy thực thi thực hiện còn hạn chế và chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Doanh nghiệp nước ta quy mô hạn chế, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ, lẻ và họ không hiểu hết những chính sách. Các chính sách được thiết kế cần đơn giản, dễ hiểu và thân thiện để việc hỗ trợ đạt hiệu quả tốt. 

Ngoài ra, các chính sách ban hành sẽ có thể chưa phù hợp hoàn toàn, nhưng cần kịp thời sửa đổi, rút kinh nghiệm, không để chậm quá. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan ban hành chính sách là xong nhiệm vụ nên cần có kênh đánh giá độc lập, hiệu quả về việc triển khai chính sách.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cũng cho rằng cần có kênh đánh giá và hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để đánh giá hiệu ứng, hiệu quả. Đây là sự tôn trọng và cũng là cách để doanh nghiệp công hiến "tâm, trí, lực" với cơ quan nhà nước. 

Theo bà Thuỷ, nguyện vọng của doanh nghiệp lớn nhất là được hoạt động. Việc hỗ trợ đáng quý nhưng để vực dậy chưa đủ vì nguồn lực hạn hẹp, các cơ quan Nhà nước cần đặt doanh nghiệp vào các bài toán cùng giải quyết ảnh hưởng của dịch Covid-19 sao cho hiệu quả. Các chính sách thiết kế luôn đặt doanh nghiệp ở thế bị động trong khi doanh nghiệp mới là chủ thể chính của việc thực hiện mục tiêu kép.

"Trong quá trình thay đổi chính sách, phần tham vấn của doanh nghiệp cần nhiều hơn. Phải ngồi riêng với từng nhóm, ngành doanh nghiệp để đánh giá dư địa phục hồi, đánh giá mỗi chính sách ban hành là ngắn hạn, dài hạn hay trung hạn. Từ đó mới có thể hỗ trợ tối đa, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp", bà Thuỷ khẳng định.