Kinh tế vĩ mô

Doanh nghiệp FDI: Luôn tin tưởng và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam

Đại diện các doanh nghiệp FDI đều bày tỏ sự tin tưởng, mong muốn được hợp tác với Chính phủ để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.

Sáng 16/10, Thủ tướng chủ trì hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ vui mừng khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng trước.

“Quyết định này mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương và củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường”, ông John Rockhold nói.

Theo Chủ tịch AmCham, trong hai tuần nữa, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ để thảo luận ưu tiên của Việt Nam trong tháo gỡ nút thắt huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, AmCham (Ảnh: VGP).

Cùng với đó, hội nghị sẽ thảo luận về việc đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế; khai thác tối đa tiềm năng của nền kinh tế số; nâng hạng từ vị thế thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; thúc đẩy đầu tư bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, ví dụ như tăng cường cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.

“Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam”, ông John Rockhold nói.

Chủ tịch AmCham cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ xác định, tháo gỡ những nút thắt này, đồng thời giúp Chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu.

“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính”, ông nêu kiến nghị.

Ông Minh Đỗ - Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Ảnh: VGP).

Ông Minh Đỗ - Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích phát triển nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng.

“Chúng tôi cũng tin tưởng và sẵn sàng đồng hành với chủ trương của Chính phủ đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính quốc tế của khu vực”, ông Minh Đỗ cho hay.

Ông Đỗ cho rằng, điểm mấu chốt để tạo nên thành công của Việt Nam sẽ là tiếp tục duy trì và hoàn thiện các cơ chế, thể chế chính sách để góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng và một nền tài chính toàn diện của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc thay đổi Luật có thể cần thời gian từ 3-5 năm. Vì vậy, việc Thủ tướng, Chính phủ cùng các bộ ban ngành đưa ra các quyết sách phù hợp, kịp thời để ứng phó với tình hình thế giới, tình hình thị trường có những thay đổi khôn lường là vô cùng quan trọng và cấp bách.

Nêu kiến nghị, Giám đốc Quỹ Warburg Pincus mong Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài.

Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Ảnh: VGP).

Cũng phát biểu, đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp. Đây là những dấu hiệu hết sức tích cực. Phát triển kinh tế của Việt Nam được duy trì hằng năm. Nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng sau một vài năm khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như số hoá, công nghệ thông tin rất vững chắc.

“Nhiều nhà kinh tế dự báo năm kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục suy giảm, tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai”, đại diện JETRO cho biết.

Ông cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lượng. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành "đầu tàu" mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển.

“JETRO mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương của Việt Nam. Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng của bất cứ quốc gia nào nhưng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số”, đại diện JETRO bày tỏ.

Ông David Whitehead - Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo VBF (Ảnh: VGP).

Ông David Whitehead - Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo VBF đánh giá cao cơ hội được gặp gỡ Thủ tướng và Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành ngày hôm nay để thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách, quy định và pháp luật thúc đẩy FDI và năng lực kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Auscham cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ và sẵn sàng hỗ trợ, trợ giúp cũng như tư vấn nhằm cải thiện môi trường, điều kiện kinh doanh tại Việt Nam.