Đối thoại

Doanh nghiệp được lợi gì khi triển khai EPR?

Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng nhựa dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất.

Chiều 10/12, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phối hợp với WWF tổ chức buổi tập huấn "Trách nhiệm của doanh nghiệp đóng góp cho kinh tế tuần hoàn và giảm rác thải nhựa" nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các đơn vị truyền thông về vấn đề rác thải nhựa, từ đó lan toả kiến thức đến số đông cộng đồng, doanh nghiệp.

EPR sẽ đem lại gì cho doanh nghiệp?

Xét về mặt lợi ích của doanh nghiệp khi triển khai EPR, ông Nguyễn Thi, Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ ra 3 lợi ích chính.

Ông Nguyễn Thi, Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên & Môi trường

Thứ nhất, khi thực hiện EPR, nhà sản xuất sẽ nâng cao được hình ảnh thương hiệu của mình thông qua việc thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội.

Thứ hai, nhà sản xuất sẽ tạo ra thị trường vật liệu, nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu trong sản xuất mà nguyên vật liệu tái chế có giá cả thấp hơn nhiều so với nguyên vật liệu nguyên sinh mà chất lượng tương đương (trừ một số loại nhựa đặc thù) do đó, sẽ cắt giảm được chi phí sản xuất.

Thứ ba, nhà sản xuất sẽ buộc phải thay đổi thiết kế, nguyên liệu, công nghệ sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế, giảm thiểu chi phí thu gom, tái chế do vậy, sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường, đáp ứng được thị hiếu và xu hướng đòi hỏi của người tiêu dùng, từ đó sản phẩm có sức hấp dẫn hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Bên cạnh đó, còn là những lợi ích về môi trường, EPR giúp tăng tỉ lệ tái chế, từ đó các vật liệu gây hại cho môi trường trong quá trình tiêu dùng được quay vòng trong chu trình sản xuất, tiêu dùng, thu gom, tái chế hoặc chuyển đổi các vật liệu này sang các dạng khác có vòng đời dài hơn; do đó sẽ giảm thiểu sự tồn tại của các vật liệu này trong môi trường sống, giảm được tác động tiêu cực của các vật liệu này lên môi trường, các loài động thực vật và hệ sinh thái…. 

Lợi ích về kinh tế, EPR là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mô hình kinh tế tuần hoàn, một mô hình kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững và tối ưu được các lợi thế cũng như sự tác động, hỗ trợ qua lại lẫn nhau của các yếu tố trong nền kinh tế. 

Lợi ích cho xã hội, góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý chất thải tại nhà. Mang lại cho các gia đình một môi trường có lợi cho sức khỏe. Nâng cao năng lực sản xuất, BVMT của đội ngũ thu gom, tái chế phi chính thức (hệ thống đồng nát, làng nghề).

Tăng cường tương tác giữa những các bên cung cấp nguyên liệu, thiết kế và sản xuất bao bì, kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ và xử lý chất thải. Góp phần giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp khi tạo ra các công việc mới.

Rác thải và câu chuyện khó khăn cho DN tái chế

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một khái niệm mới với Việt Nam, đặc biệt là việc mở rộng trách nhiệm với nhà sản xuất EPR. 

Ông cho biết, đây là lần đầu tiên được áp dụng ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể là một trong những nước đi đầu Đông Nam Á. Châu Á mới chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã áp dụng hệ thống EPR.

Nói về KTTH, không phải như chúng ta đang nghĩ về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, ở các nước phát triển đều đưa ra những khung chính sách mang tầm vĩ mô như các khu công nghiệp, các nhà máy, mới tới các gia đình.

Khi đã quy định được ở tầm vĩ mô, thì sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. KTTH có ý nghĩa bao hàm rất rộng, từ sử dụng hiệu quả tài nguyên rác thải cho tới sử dụng hiệu quả tuần hoàn năng lượng. 

Mặt khác, trong KTTH, vấn đề tiêu dùng bền vững là một vấn đề quan trọng. Sản phẩm là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nếu sản phẩm bền vững, con người sử dụng lâu bền thì sẽ ít xả thải ra môi trường, đồng thời giảm chi phí xử lý. 

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng nhựa. Tuy nhiên, ở các nước Châu Âu hoặc Mỹ đều đã có quy định về chất lượng nhựa, độ kéo giãn, độ uốn cong, khả năng chịu tia cực tím, khả năng chống  lão hoá, tỉ lệ tạp chất cũng như các tỉ lệ phụ gia, hầu hết các công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa vào châu Âu hoặc Mỹ đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt này. 

Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng nhựa dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất

Từ đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nên các sản phẩm nhựa thường chứa nhiều chất phụ gia.

Ông Hoàng Đức Vượng cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể, nếu chúng ta mua một chiếc ghế nhựa được kiểm soát về chất lượng thì thời gian sử dụng sẽ được tăng lên, lượng rác xả ra môi trường sẽ giảm đi. Do vậy, nếu có cạnh tranh lành mạnh thì tất cả các doanh nghiệp đều muốn tham gia vào quá trình này.

Mặt khác, để áp dụng KTTH, các sản phẩm cũng phải được đóng gói bao bì, in ấn bao bì thân thiện với môi trường. Hiện tại, nhiều bao bì không in biểu tượng, sẽ khó cho việc phân loại nhựa, hoặc biểu tượng nếu có thì rất nhỏ, không đạt yêu cầu. 

Ngược lại, về logo, bao bì nhựa của thương hiệu lại được in quá to, không có quy định về tỉ lệ so với kích cỡ bao bì, tem nhãn sinh thái. Với những chai sữa, nước uống được bọc và dán tem nhãn trên toàn bộ chai, do đó khi tới tay nhà tái chế thì vô cùng khó khăn trong việc xử lý. 

Ví dụ như ở Nhật Bản, có quy định tem nhãn không được quá 5% trên thân chai, hoặc tem nhãn phải có chất liệu bằng giấy, được dính bằng keo có thể tan trong nước. Ông cho rằng đây là vấn đề vô cùng nhức nhối về  việc quy định in, sử dụng tem nhãn trên sản phẩm hiện nay. 

Bên cạnh đó, bao bì đa lớp nhựa khác nhau, tráng nhôm, mạ crom của đa số sản phẩm đóng gói cũng sẽ không thể tái chế.