Hồ sơ doanh nghiệp

Doanh nghiệp du lịch thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Các doanh nghiệp du lịch ghi nhận lợi nhuận cải thiện trong quý cuối năm 2021 nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đẩy mạnh tái cơ cấu...

Việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ tháng 10/2021, bao gồm cả hoạt động mở cửa du lịch đã giúp các doanh nghiệp du lịch dần cải thiện lợi nhuận so với thời điểm trượt dài trong thua lỗ trước đó. 

Kết quả kinh doanh dần khả quan

Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HoSE: DAH) vừa rồi đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với tình hình kinh doanh khả quan. Trong quý IV/2021, công ty ghi nhận doanh thu tăng thêm 373,03 tỷ đồng lên 377,51 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 24,72 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước công ty này lỗ 31,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng thêm 42,62 tỷ đồng lên 34,41 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 68,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 15,4 tỷ đồng về 7,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 45,5%, tương ứng giảm 0,15 tỷ đồng về 0,18 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu tăng thêm 679,26 tỷ đồng lên 691,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 39,17 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 33,14 tỷ đồng. Với việc ghi nhận lãi trong năm 2021, công ty đã xóa được lỗ lũy kế và hiện tại tới 31/12/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 16 tỷ đồng.

Năm 2021, Tập đoàn Khách sạn Đông Á đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần là 505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 43 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính công ty không hoàn thành 91,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Là công ty đầu ngành, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - UPCoM: VTR) cũng không nằm ngoại xu hướng bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau 4 quý thua lỗ liên tiếp và bị công ty kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục, Vietravel quý vừa rồi đã báo lãi 56 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (UPCoM: BTV), báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy công ty vẫn ghi nhận lỗ trước thuế hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước. 

Cũng theo Tổng cục Du lịch, một số doanh nghiệp du lịch lớn như Vietravel, Saigontourist, Fiditour… ghi nhận nhiều thông tin tích cực khi lượng khách hàng đặt mua tour du lịch với xu hướng gần với thời gian từ 2-4 ngày lớn. Lượng khách chủ yếu từ thị trường Tp.Hồ Chí Minh, hành khách tự tin, lạc quan hơn với việc kiểm soát dịch bệnh nên quyết định lên đường đi du lịch.

Theo ước tính, lượng khách Tết Nguyên đán 2022 tăng hơn nhiều so với kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 ở hầu hết các hành trình tour, bao gồm tour dành cho khách đoàn doanh nghiệp và khách lẻ, khởi hành theo lịch định sẵn.

Các doanh nghiệp du lịch đều kỳ vọng những tín hiệu tốt sau dịp Tết Nguyên đán năm nay khi lượng khách mua tour, đặt khách sạn tăng cao sẽ tạo đà sớm phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch.