Chính sách

Đoàn thanh tra bộ Xây dựng bị tạm giữ vì nghi “vòi tiền”: Phải siết chặt kỷ luật kỷ cương của hoạt động thanh tra!

Liên quan tới vụ việc đoàn thanh tra bộ Xây dựng bị lập biên bản vì “vòi tiền”, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng vấn đề nổi cộm đặt ra ở đây là đạo đức cán bộ. Khi thành lập đoàn thanh tra, cơ quan chủ quản cần phải lựa chọn các cá nhân có đầy đủ phẩm chất, đáng tin cậy.

Thông tin mới đây, cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản đối với đoàn thanh tra bộ Xây dựng về hành vi đòi chung chi chục tỷ đồng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết vụ việc xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc là một hiện tượng tiêu cực như nhiều hiện tượng tiêu cực tự phát, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó.

ĐBQH Nguyễn Thái Học khẳng định: “Khi tiến hành thanh tra ở bất cứ đoàn thanh tra nào cũng có những quy chế, quy định rõ ràng về các bước thực hiện, thủ tục, trách nhiệm của các thành viên trong đoàn để thực hiện đúng theo quy định của thanh tra.

Như vậy thì nội bộ đoàn đã không tuân thủ các quy định này. Bên cạnh đó, đơn vị chủ quản thành lập đoàn phải có trách nhiệm quán triệt, lựa chọn người rồi theo dõi xem hoạt động thế nào. Những điều này đều có quyết định hết nhưng trong trường hợp này đã không thực hiện".

ĐBQH Nguyễn Thái Học cho rằng vấn đề nổi cộm đặt ra ở đây là đạo đức cán bộ. Khi thành lập đoàn thanh tra, cơ quan chủ quản cần phải lựa chọn các cá nhân có đầy đủ phẩm chất, đáng tin cậy.

Có thông tin, một cán bộ trong đoàn thanh tra mới được bổ nhiệm Phó phòng cách đây 2 tháng, nhưng đã có hành vi sai phạm. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc bổ nhiệm cán bộ?

Nói về điều này, ĐBQH Nguyễn Thái Học cho biết: “Việc bổ nhiệm là cả một quá trình xem xét đánh giá trong một thời gian dài. Điều này cho thấy cơ quan chủ quản đã đánh giá bổ nhiệm chưa tốt, lựa chọn người bổ nhiệm không đúng dẫn tới phân công cho người đi làm công tác thanh tra không phù hợp rồi gây ra hậu quả như vậy".

ĐBQH Nguyễn Thái Học trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng

Ngoài ra, thông tin cho báo chí chiều ngày 13/6, bộ Xây dựng khẳng định vụ việc ở Vĩnh Phúc xuất phát từ các sai phạm mang tính cá nhân. Chia sẻ về điều này, ĐBQH Nguyễn Thái Học cho biết: “Đây là sai phạm cá nhân, nhưng cá nhân đó lại là người đang thực thực thi công vụ được giao phó, chính từ sai phạm cá nhân này đã ảnh hưởng rất lớn tới các bộ ngành”.

Nói về vấn đề là có hay không tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. ĐBQH đoàn Phú Yên bày tỏ: “Trên thực tế là có chứ không phải không có. Vừa rồi, bị lộ ra như thế cần phải siết chặt kỷ luật kỷ cương của hoạt động thanh tra như thế nào để đảm bảo hiệu quả. Những sự việc như thế cho thấy phải soát xét lại bản thân hoạt động thanh, kiểm tra. Nhất là khâu lựa chọn cán bộ, chọn lựa người vào vị trí thanh tra như thế nào, lập đoàn thanh tra ra sao”.

Dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Thái Học bày tỏ: “Thực ra thanh tra xây dựng không phải là cơ quan chống tham nhũng. Đây là cơ quan thanh tra chuyên ngành. Nhưng hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng”.

Trả lời câu hỏi của PV về việc cần phải có cơ chế như thế nào để không xảy ra những hành động vi phạm tương tự như vụ việc tại Vĩnh Phúc, ĐBQH Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: “Cơ chế giám sát tốt nhất là tự kiểm tra, giám sát trong đoàn, ở các đối tượng chịu sự kiểm tra và cơ quan chủ quản khi cử ra thành lập đoàn. Sâu xa hơn nữa vẫn là công tác cán bộ, phải lựa chọn đúng cán bộ đủ phẩm chất năng lực.

Thực tế là nhiều cơ quan, bộ ngành vẫn chưa chú trọng tới vấn đề này. Hơn ai hết, chính bản thân người nhận nhiệm vụ thanh tra phải tự ý thức được trách nhiệm của mình. Còn nếu người đó không muốn tuân thủ thì dù có giám sát, theo dõi cũng khó lòng kiểm soát được”.

Nhóm PV Quốc hội