Góc nhìn luật gia

Đỗ xe trên vỉa hè trong trường hợp nào không bị phạt?

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật… Vậy, trường hợp nào dừng/đỗ xe trên vỉa hè mà không bị phạt?

Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè (hay vỉa hè, hè phố): là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Như vậy, theo Thông tư này, vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ chứ không quy định chỉ dành riêng cho người đi bộ và không cấm đỗ xe.

Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định như sau: Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Tuy nhiên, thế nào là đỗ xe trên hè phố trái quy định thì Luật không quy định cụ thể.

Trong Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định 11 vị trí không được dừng xe, đỗ xe (không có vỉa hè) và yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông…

Khi nào được đỗ ôtô trên vỉa hè? (Ảnh minh họa)

Mức phạt xe ô tô đỗ trên vỉa hè là bao nhiêu?

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định rất chi tiết về các mức phạt tiền đối với các hành vi: dừng/đỗ xe không đúng nơi quy định; dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m, hay dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại… các hành vi này tương ứng với các mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Thậm chí, mức phạt lên tới 2 triệu đồng cho việc dừng/đỗ xe bên trái đường một chiều hoặc song song với một xe khác đang dừng/đỗ.

Phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật… Riêng với trường hợp lái ôtô đi trên vỉa hè, mức xử phạt có thể lên đến từ 3 - 5 triệu đồng.

Vậy trường hợp nào được dừng/đỗ xe trên vỉa hè mà không bị phạt?

Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT có hiệu lực từ 1/7/2020, tài xế ô tô có thể đỗ xe một phần trên hè phố nếu gặp biển I.408a.

Biển số I.408a cho phép tài xế đỗ ôtô một nửa thân trên vỉa vè. 

Cụ thể, để chỉ dẫn những nơi được phép đỗ xe một phần trên hè phố rộng, đặt biển số I.408a "Nơi đỗ xe một phần trên hè phố". Xe phải đỗ sao cho các bánh phía ghế phụ trên hè phố.

Loại biển này được đặt để tài xế biết là “Nơi được đỗ xe một phần trên hè phố", với yêu cầu phải đỗ từ 1/2 thân xe trở lên trên hè phố. Khoảng cách, chiều dài nơi đỗ xe có thể được xác định giới hạn bằng vạch kẻ trên đường. Trong trường hợp cần thiết, có thể đặt thêm biển phụ chỉ hiệu lực của vùng cho phép đỗ. Biển này có thể đặt vuông góc theo chiều hướng đi hoặc đặt song song và có hiệu lực từ vị trí đặt biển.

Ngoài ra, trường hợp, đơn vị thực hiện việc trông giữ xe theo vị trí đã được quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì được phép dừng/đỗ xe theo quy định.

Cụ thể, Khoản 9, mục IV, Thông tư số 16/2009/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD việc sử dụng hè phố vào việc để xe phải đảm bảo không gây cản trở giao thông của người đi bộ, phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m và phải sắp xếp gọn gàng, đảm bảo mỹ quan đô thị…

Do đó, cần kiểm tra xem khu vực mình đỗ xe có biển báo hoặc biển được cấp phép dừng/đỗ xe theo quy định hay không khi tiến hành giải quyết công việc lực lượng chức năng.

Danh sách mới nhất 56 tuyến phố cấm đỗ xe trên vỉa hè tại Hà Nội

Theo Quyết định số 2053/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường. Cụ thể, dưới đây là danh sách 56 tuyến phố cấm bao gồm:

Quận Hoàn Kiếm cấm 13 tuyến phố: Lê Lai (đoạn từ Ngô Quyền đến Trần Quang Khải); Lê Thạch; Lê Thái Tổ; Tràng Tiền; Hàng Khay; Tràng Thi; Hàng Lược; Chả Cá; Hàng Cân; Lương Văn Can; Hàng Bông; Hàng Gai; Nhà Chung.

Quận Ba Đình cấm 24 tuyến phố : Kim Mã; Nguyễn Thái Học; Chu Văn An; Độc Lập; Hùng Vương; Phan Đình Phùng; Nguyễn Tri Phương; Điện Biên Phủ; Lê Hồng Phong; Trần Phú; Chùa Một Cột; Ông Ích Khiêm; Bà Huyện Thanh Quan; Lê Trực; Sơn Tây; Thanh Niên; Hoàng Diệu; Hoàng Văn Thụ; Bắc Sơn; Mai Xuân Thưởng; Vạn Phúc; Liễu Giai; Phan Huy Ích; Vạn Bảo.

Quận Đống Đa cấm 10 tuyến phố: Quốc Tử Giám (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Văn Miếu); Tôn Đức Thắng; Nguyễn Lương Bằng; Tây Sơn; Tôn Thất Tùng; Phạm Ngọc Thạch; Đào Duy Anh; Khâm Thiên; Đê La Thành; Phương Mai.

Quận Hai Bà Trưng cấm 4 tuyến phố: Bùi Thị Xuân; Bạch Mai; Phố Huế (cả trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); Trương Định (cả trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng).

Quận Cầu Giấy cấm 3 tuyến phố: Xuân Thủy; Cầu Giấy; Trần Duy Hưng.

Quận Thanh Xuân cấm 2 tuyến phố: Nguyễn Huy Tưởng; Khương Trung.

Hoàng Mai