Đời sống

DNA bí ẩn của các sinh vật “khoa học chưa biết” được tìm thấy ở sa mạc

Sa mạc Atacama (Chile) từ lâu đã được xem như "Sao Hỏa trên Trái Đất". Bởi nơi đây chỉ có nắng, gió, bụi và gần như không có mưa trong hàng thế kỷ qua.

Nhưng không giống như hành tinh đỏ, sa mạc Atacama đầy bụi không phải là không có sự sống. Vừa qua, các nhà nghiên cứu sử dụng thiết bị hiện đại đã phát hiện ra các đoạn DNA hấp dẫn từ hỗn hợp vi khuẩn.

Nhưng điều làm cho phát hiện này trở nên đặc biệt là 9% hỗn hợp mảnh gen thuộc về các sinh vật "khoa học chưa biết", theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Những sinh vật này là một phần của vi khuẩn “kỳ lạ và khác biệt” đến mức các nhà nghiên cứu không thể xác định chúng.

"Trong gần một nửa số trường hợp, cơ sở dữ liệu không thể nói rõ ràng những gì chúng ta có trong tay", nhà vi trùng học tại Trung tâm Sinh học vũ trụ ở Madrid và nhà nghiên cứu chính Armando Azua-Bustos cho biết.

Atacama được xem như một trong những vùng đất khô cằn nhất trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu tin rằng vật liệu di truyền khó hiểu này có liên quan tới các dạng sống đã tuyệt chủng từ lâu và theo đó, chưa bao giờ được ghi nhận.

Trong khi nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục, điều quan trọng là những phát hiện ở sa mạc Atacama góp phần vào cuộc tìm kiếm dấu vết của sự sống ngoài hành tinh đang diễn ra trên sao Hỏa.

Qua nghiên cứu trên cho thấy rằng, một lượng dấu vết sinh học nhất định có thể được thu thập ở ngay cả một môi trường khô cằn như sa mạc Atacama, thì những tảng đá khô trên sao Hỏa cũng có thể mang lại những bước đột phá.

Quốc Tiệp (theo AP)