Kinh tế vĩ mô

Định hình chuỗi cung ứng toàn cầu mới có sức chống chịu tốt hơn

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Việt Nam - Hoa Kỳ cần định hình chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới có sức chống chịu tốt hơn trước những khủng hoảng trong tương lai.

Hoa Kỳ đứng thứ 11 top số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam

Chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2022 với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương” sáng 8/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân với nền kinh tế có độ mở lớn, chủ động hội nhập, phát triển nhanh.

Trên cơ sở phát huy tốt nội lực, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phục hồi kinh tế, phát triển bền vững; tiếp tục sát cánh cùng các nước đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.

“Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trong đó bao gồm hiệu quả, thực chất và mang tính kế thừa cao của các thế hệ lãnh đạo, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, góp phần đưa tổng thể quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện đi vào chiều sâu, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị (Ảnh: DĐDN).

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua một mặt gây nhiều bất ổn, nhưng mặt khác cũng tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục.

Trong khi đó, là một nền kinh tế có độ mở cao, tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tương lai của gần 100 triệu công dân của Việt Nam gắn kết ngày càng chặt chẽ với tương lai của khu vực, cũng như sự ổn định trong các quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.

Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được mở rộng nhanh chóng ra nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng được đánh giá rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột trong hợp tác kinh tế - thương mại tương lai.

Định hình chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới

Để bảo đảm cho những tiềm năng trên trở thành hiện thực, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh 2 điểm quan trọng cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.        

Thứ nhất, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ kinh tế - thương mại đi vào ổn định và tiếp tục là động lực của quan hệ song phương, trong đó cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA).

Trong đó Bộ Công Thương và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) là 2 cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, tăng cường đối thoại chính sách, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Thứ hai, những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đã đưa hai quốc gia chúng ta xích lại gần nhau hơn, khi chúng ta hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.

“Nay trong bối cảnh bình thường mới, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác để hướng tới phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững, cùng nhau định hình những chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới, có sức chống chịu tốt hơn trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Việt Nam đang ưu tiên xây dựng cơ chế để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, đang ưu tiên xây dựng cơ chế để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử) và đội ngũ doanh nghiệp công nghiệp mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, chú trọng phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, ô tô sử dụng năng lượng mới, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm...

“Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Từ một góc nhìn tích cực, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19 lại giúp tạo ra những cơ hội chưa từng có để từng doanh nghiệp, từng ngành, từng lĩnh vực tự đánh giá lại năng lực, gợi mở nhiều hướng kinh doanh và cơ hội tiếp cận thị trường mới.

Ông Marc Evans Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam - Hoa Kỳ có tầm nhìn và viễn kiến chung, có cùng mục tiêu về phát triển kinh tế thương mại. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, y tế, cơ sở hạ tầng. Đại sứ Marc Evans Knapper khẳng định đây là những nỗ lực đáng tự hào.

Ông cũng cho biết, trong đại dịch Covid-19, ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong duy trì phát triển quan hệ đối tác của hai bên.

Đồng thời khẳng định tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và doanh nghiệp hai bên, cùng nhau tạo dựng và phát triển, hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch.