Giáo dục

Định giá SGK được tiếng với dân nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều

Nếu SGK trở thành mặt hàng Nhà nước định giá vẫn cần phải có những điều kiện đi kèm để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia và xã hội hoá.

Đổi mới Chương trình GDPT là bước chuyển mình tích cực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn cần được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho những bên tham gia.

Chọn sách tránh can thiệp không xuất phát từ cơ sở

Đại diện lãnh đạo ngành giáo dục, tại buổi toạ đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đưa ra những căn cứ nào để Bộ đề nghị đưa giá sách vào danh mục mặt hàng được Nhà nước định giá

Theo quy định hiện hành, theo Luật Giá hiện nay mặt hàng sách giáo khoa (SGK) là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình.

Thứ trưởng cho biết: “Thời gian qua chúng ta tiếp tục làm tốt công tác này. Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản so với các lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm từ 3- 9%. Tuy nhiên, chúng ta thống nhất rằng dù là kê khai giá thì đều là thực hiện hình thức quản lý nhà nước gián tiếp hay trực tiếp.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh là đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng hết sức đặc biệt này. Qua nghiên cứu, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chỉnh phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đưa ra phân tích cần xã hội hoá SGK (Ảnh:ĐBND).

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng ngành giáo dục sẽ phải tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.

Các nhà xuất bản không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn tạo điều kiện các nhà xuất bản tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng.

Chia sẻ bên lề, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: “Định giá quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp định giá, mà quan trọng nhất là làm sao vẫn tạo động lực cho các nhà xuất bản, huy động tối đa nguồn lực của các nhà khoa học tham gia. Tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của Nhà nước.

Trong lựa chọn về sách, vấn đề làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở. Tới đây cũng có những kết luận để tránh tác động tiêu cực; cũng như nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 25 trên tinh thần phải tôn trọng từ cơ sở, giáo viên, học sinh, nhà trường chứ không phải từ cơ quan quản lý cấp trên”.

Nhiều chuyên gia tham dự góp ý kiến tại toà đàm (Ảnh:ĐBND).

Thị trường vẫn còn kẽ hở để quay lại độc quyền

Tuy nhiên, để các bộ SGK đóng góp cho xã hội hoá giáo dục tốt hơn, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra 3 cái cần có.

Đầu tiên cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK. Thứ hai, cần xem xét lại việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK trong Luật Giáo dục.

“Theo dõi việc chọn SGK ở một số địa phương thời gian qua, cho thấy, có một số địa phương đã xảy ra những kẽ hở dễ bị lợi dụng để thị trường SGK có nguy cơ quay trở lại độc quyền, một mình một chợ. Mà đó mới là điều đáng quan tâm”, bà Thuý cho biết.

Vấn đề thứ ba cần nghiên cứu kỹ việc nhà nước định giá SGK để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Đại biểu cho rằng: “Chúng ta nói Nhà nước định giá SGK, trước hết được tiếng với dân, nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều. Vì dẫu có định giá thì vẫn phải dựa trên các yếu tố hình thành giá.

Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng, mỗi năm, mỗi gia đình học sinh có giảm được một khoản tiền nhỏ việc mua SGK, thì cũng không chắc giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm”.

Bởi theo bà Thuý ngoài SGK, còn phải đóng học phí, mua đồng phục, sách tham khảo và các đồ dùng học tập khác. Nhà nước thì không thể định giá tất cả các mặt hàng này. Do đó, khi tính toán việc đưa SGK vào mặt hàng định giá thì đang vướng vào một vài vấn đề mang tính nguyên tắc.

ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (Ảnh:ĐBND).

Với tư cách doanh nghiệp tư nhân tham gia xã hội hoá sách giáo khoa (SGK), ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam đã đưa ra quan điểm khi sách giáo khoa trở thành mặt hàng do Nhà nước định giá.

“Là doanh nghiệp tham gia biên soạn SGK, chúng tôi sẵn sàng và chấp nhận pháp luật quy định. Tuy nhiên, đề nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để luận giải đầy đủ, chi tiết đưa ra mức giá để người làm sách có thể chấp nhận được, làm được... nếu không hợp lý thì việc xã hội hóa sẽ không tiến hành được”, ông Ái bày tỏ.

Đại diện nhà xuất bản cho rằng, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách nào để hỗ trợ, giúp đỡ cho xã hội hóa, do đó, các đơn vị biên soạn SGK gặp muôn vàn khó khăn. Mặc dù nhân lực, tài lực, vật lực đều không đủ, tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay đã thành công mở ra con đường mới là xã hội hóa biên soạn SGK trên vùng đất độc quyền đã tồn tại rất lâu.

Nêu ý kiến tại đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng Nhà nước nên để thị trường định giá SGK bởi xét về nguyên lý thì SGK không phải mặt hàng độc quyền, đây là mặt hàng mà các nhà soạn thảo có quyền cạnh tranh, vậy giá phải do các đơn vị cạnh tranh trong thị trường này quyết định. "Chỉ có cạnh tranh chúng ta mới thúc đẩy được chất lượng đi lên cũng như là mức giá để thỏa mãn mọi đối tượng trong xã hội", ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng thông tin về giá sách so với các nước so với Lào, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Australia, Nga..., giá sách của các nhà xuất bản Việt Nam thấp hơn 7- 12 lần. Khổ sách ở mức trung bình so với các nước; giấy in sử dụng tiêu chuẩn in có chất lượng sách bảo đảm vệ sinh học đường; trọng lượng sách ở mức trung bình.

“Về số màu, tại sao phải chọn bốn màu sách, vì sách phải biên soạn theo chương trình, từ truyền đạt trí thức sang phẩm chất năng lực, và điều kiện kinh tế như hiện nay thì các em phải được quan sát bằng màu, ở đây là bốn màu. Nói chung, hiện nay ưu tiên dành cho các em điều kiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế có thể’, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết.