Kinh tế vĩ mô

Định giá các-bon để huy động nguồn lực tài chính

Chính phủ Pháp đảm bảo thu hồi năng lượng đối với chất thải không thể tái chế bằng công nghệ hiện có và bắt nguồn từ các hoạt động thu gom hoặc phân loại riêng biệt.

Chiều 7/7, Trường Đại học Kinh tế và Khoa Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức cùng Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Pháp, Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã  tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Pháp 2023: "Hướng tới phát triển xanh và bền vững".

Ông Nicholas Warnery - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn, đây là hoạt động có ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. 

Pháp hiện là quốc gia đầu tư nguồn vốn FDI lớn thứ 2 đến từ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đang được phục hồi sau đại dịch COVID-19, đạt 5,3 tỷ Euro năm 2022, tăng 10% so với năm 2021. 

Lũy kế đến hết quý I/2023, các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư hơn 3,8 tỷ USD thông qua 673 dự án trên lãnh thổ Việt Nam. 

Ông Nicholas Warnery - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Đối với lĩnh vực năng lượng, Pháp đã và đang đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, với mục tiêu đạt được 40% sản lượng điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. 

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải bền vững, Chính phủ Pháp hỗ trợ phương tiện tiêu thụ điện và phát triển cơ sở hạ tầng để đạt 35% doanh số bán ô tô chở khách chạy bằng điện hoặc hydro mới vào năm 2030 và 100% vào năm 2040. 

Chính phủ Pháp khuyến khích cải thiện hiệu suất năng lượng của các phương tiện hạng nhẹ và hạng nặng, sử dụng ít nhiên liệu đốt hơn (với mục tiêu 4l/100km vào năm 2030 đối với phương tiện cá nhân sử dụng động cơ đốt trong). 

Về nền kinh tế tuần hoàn và "khử" các-bon trong các ngành công nghiệp, Chính phủ Pháp yêu cầu doanh nghiệp kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm giảm tác động tới môi trường: bắt buộc sản phẩm điện và điện tử tiêu dùng phải có khả năng sửa chữa, tạo thuận lợi cho việc sửa chữa sản phẩm với các phụ tùng thay thế sẵn có.

Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho tài chính xanh thông qua các chương trình trợ cấp toàn diện như hỗ trợ thuế và phát triển các công cụ tài chính, một chiến lược khí hậu rõ ràng cho Pháp mà tất cả các khoản đầu tư công phải phù hợp và giữ vị trí hàng đầu với tư cách là nhà phát hành trái phiếu Chính phủ xanh.

Pháp cũng đã giảm 10% chất thải sinh hoạt và chất thải tương đương cho mỗi cá nhân vào năm 2020, giảm chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế trên một đơn vị giá trị sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng so với năm 2010.

Đổi mới sáng tạo toàn diện trong thiết kế sản phẩm, tăng cường tái sử dụng, tái chế đối với sản phẩm hữu cơ đến 55% vào năm 2020 và 65% vào năm 2025 đối với chất thải không độc hại, đặc biệt là thiết bị điện và điện tử, dệt may và đồ nội thất.

Ngoài ra, Chính phủ Pháp đảm bảo thu hồi năng lượng đối với chất thải không thể tái chế bằng công nghệ hiện có và bắt nguồn từ các hoạt động thu gom hoặc phân loại riêng biệt được thực hiện tại các cơ sở chuyên dụng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, cần thúc đẩy đầu tư và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đóng vai trò động lực cho quá trình chuyển đổi như năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, phát triển công nghệ xanh, từng bước loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, cần đổi mới các phương thức huy động tài chính sáng tạo, bao gồm tài chính hỗn hợp, trao đổi tín chỉ các-bon, định giá các-bon để huy động nguồn lực cho các dự án mang tính chuyển đổi.

PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, chủ đề của Diễn đàn cũng chính là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của cả hai quốc gia Việt Nam và Pháp.

Qua nhiều năm quan hệ đối tác chặt chẽ, Việt Nam và Pháp đã chứng tỏ được sự cam kết đồng lòng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững, phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo.