Sức khỏe

Điều trị mất ngủ hậu Covid-19 bằng biện pháp “vệ sinh giấc ngủ”

Hậu Covid-19, nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng rối loạn nhịp sinh học, mất ngủ thường xuyên và suy giảm chất lượng giấc ngủ.

Hiện nay, có nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh Covid-19 thường gặp phải tình trạng tình trạng rối loạn giấc ngủ,  khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên bị thức giấc giữa đêm, giấc ngủ chập chờn, trằn trọc, thường thức dậy sớm và không thể ngủ lại được.

Hậu Covid-19, cuộc sống căng thẳng, stress kéo dài, lo âu, trầm cảm cùng với việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên có thể đưa đến tình trạng rối loạn nhịp sinh học, mất ngủ thường xuyên và suy giảm chất lượng giấc ngủ. Điều này có thể gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động thường ngày, làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ giữa ban ngày, đồng thời rất khó tập trung.  

Mất ngủ có thể gây nên những ảnh hưởng đến tim mạnh, não bộ... (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, mất ngủ kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân như bị rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp và xuất hiện các vấn đề tâm thần như lo âu, trầm cảm. Do vậy, cải thiện giấc ngủ là một trong những mối quan tâm hiện nay trong điều trị.

Chia sẻ với Người Đưa tin, ThS. BS Đinh Thế Tiến, phụ trách phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đưa ra một số biện pháp "vệ sinh giấc ngủ" để đối phó với tình trạng mất ngủ như sau:

Có lịch trình ngủ đều đặn, một giờ đi ngủ và thức dậy đúng giờ; tránh ngủ trưa, đặc biệt là những giấc ngủ ngắn kéo dài hơn 1 giờ; hạn chế chất kích thích như caffeine, rượu bia, nicotine.

Thực hiện những hoạt động thể chất ban ngày, đặc biệt là 4 đến 6 giờ trước khi ngủ vì điều này có thể tạo điều kiện cho giấc ngủ bắt đầu; Giữ môi trường ngủ yên tĩnh và tối. Tiếng ồn trắng hoặc nút tai thường được khuyến khích sử dụng để giảm tiếng còn. Có thể dùng tấm che hoặc mặt nạ che mắt để giảm bớt ánh sáng.

Tránh kiếm tra thời gian ban đêm, gồm đồng hồ báo thức và các thiết bị đo thời gian, điều này có thể tăng kích thích nhận thức và kéo dài thời gian tỉnh táo; tránh ăn một bữa ăn lớn gần giờ đi ngủ, nhưng đừng đi ngủ khi đói. Ăn một bữa ăn lành mạnh và no vào buổi tối và tránh ăn vặt vào đêm khuya.

Bệnh nhân cần được thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh lý nền...

Bệnh nhân kiên trì tự thực hành hàng ngày tại nhà thì dần dần sẽ cải thiện triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ Tiến cho biết, ngoài ra, một số thuốc điều trị mới với ít tác động bất lợi và các biện pháp không dùng thuốc như yoga, hoạt động thể chất, liệu pháp nhận thức – hành vi… có thể được sử dụng với mục đích cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tuy nhiên, bác sĩ Tiến cũng cho rằng: “Điều trị mất ngủ hậu Covid-19 không dễ dàng. Bệnh nhân cần được thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh lý nền (nếu có) hoặc các bất thường về chức năng cơ quan, đánh giác mức độ lo âu, trầm cảm, stress và đưa ra lời khuyên phù hợp”. Bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc vì có thể xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí làm bệnh rối loạn mất ngủ hậu Covid-19 trầm trọng hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 40% người bệnh bị mất ngủ khi mắc Covid-19. Nguyên nhân là do thiếu ánh sáng tự nhiên dẫn đến não giảm tổng hợp Melatonin- chất giúp chúng ta cảm giác buồn ngủ; do dùng các loại thuốc; do môi trường bệnh viện; các trải nghiệm xấu trong quá trình nhiễm Covid-19. Mất ngủ cũng có thể do các dấu hiệu của bệnh gây nên sợ hãi, đặt cơ thể vào tình trạng cảnh giác cao độ nên căng thẳng, khó ngủ.

Hương Thương