Sự kiện

Làm gì để giữ an toàn tính mạng khi thang máy bất ngờ rơi tự do?

Một vụ thang máy rơi tự do diễn ra chiều 29/11 tại một chung cư ở Hà Nội đã khiến nhiều người bị thương. Vậy làm gì để giữ an toàn tính mạng khi thang máy rơi tự do?

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, ngày 30/11, lực lượng chức năng đang điều tra, xác minh vụ thang máy rơi tự do tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, chiều 29/11, khoảng 10 người đang sử dụng thang máy tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên thì thang máy bất ngờ rơi tự do khiến nhiều bị thương. Các nạn nhân bị thương sau đó được đưa vào bệnh viện kiểm tra.

Hình ảnh nhiều người bị thương sau khi thang máy rơi tự do được lan truyền trên mạng xã hội.

Tính tới thời điểm này, ngoài một trường hợp bà Lê Thị T. (87 tuổi) bị thương nặng gẫy chân, đang được điều trị cấp cứu tại bệnh viện, thì số người dân còn lại qua kiểm tra đều đảm bảo an toàn sức khỏe, ra về. Mặc dù vậy, công an quận Cầu Giấy đánh giá đây là vụ việc rơi thang máy hết sức nghiêm trọng, may mắn lớn nhất khi không có ai thiệt mạng.

Theo báo Dân trí, đánh giá đây là vụ việc rơi thang máy hết sức nghiêm trọng, UBND quận Cầu Giấy đã triển khai thống kê, rà soát lại tất cả những tòa nhà có hệ thống thang máy cũ để tuyên truyền, gia tăng các biện pháp đảm bảo an toàn cho cư dân.

Một lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tòa nhà vừa xảy ra sự việc này từng bị cư dân phản ánh rất nhiều về việc có sự cố đối với hệ thống thang máy.

"Về nguyên nhân khiến thang máy bị rơi tự do, phía quận chưa nhận được báo cáo chính thức từ công an quận Cầu Giấy. Hiện thang máy ở tòa B10A đã bị niêm phong" - vị này thông tin thêm.

Theo Livescience, nếu không may mắn phải đối mặt với trường hợp thang máy rơi, tư thế tốt nhất để sống sót là nằm thẳng lưng ra giữa sàn để phân tán lực tác động lên toàn bộ cơ thể. Một tay đặt dưới gáy để cố định đầu và gáy, tránh khi thang rung. Tay còn lại có thể che mặt, tránh các mảnh vỡ rơi xuống.

Phản ứng tự nhiên của nhiều người khi thang máy rơi tự do là ngồi xuống. Vị trí này cũng sẽ gây thương tích cho cột sống. Chỉ trong trường hợp thang máy đông người không thể nằm xuống, bạn mới ngồi ở tư thế bó gối. Cách này có thể giảm tối đa chấn thương xảy ra khi thang máy va chạm với mặt đất.

Bạn không nên đứng thẳng. Việc đứng thẳng có thể sẽ gây thương tích nghiêm trọng cho chân và cột sống, lượng trọng lực đè xuống cơ thể sẽ gấp nhiều lần. Bạn cũng không nên nhảy. Nhiều người nghĩ rằng nhảy liên tục trên sàn thang máy sẽ an toàn hơn. Về lý thuyết, để an toàn, bạn phải nhảy lên cùng lúc và cùng tốc độ với thang máy trôi (khoảng 160 km/giờ), đó là điều không tưởng. Vì vậy nhảy lên chỉ làm gia tăng mức độ nguy hiểm, nguy cơ bạn bị đập đầu vào thang máy, đập xuống sàn và chấn thương nặng hơn.

Nếu thang máy đang rơi mà dừng đột ngột, nên bình tĩnh và ấn nút mở cửa hoặc gọi cứu hộ và làm theo hướng dẫn.

Trao đổi trên VnExpress, theo ông Vũ Tùng, một chuyên gia an toàn làm việc tại TP HCM, thực tế một số sự cố thang máy xảy ra thời gian qua chủ yếu là do trong quá trình sử dụng động cơ không được bảo dưỡng đúng quy chuẩn.

Những vụ tại nạn như thế không nhiều bởi hầu hết hệ thống thang máy hiện đại được lắp đặt với cơ chế an toàn cao. Trước khi đưa vào sử dụng, thang máy đã được các cơ quan chức năng kiểm định nghiêm ngặt, lại thường xuyên bảo dưỡng nên xác suất bị hỏng hóc, rơi hoặc trục trặc là thấp. Đặc biệt, những thiết bị đạt chuẩn quốc tế đều có thắng cơ và thắng điện sẽ kẹp chặt cabin khi có sự cố.

Xét về góc độ an toàn khi thang máy gặp sự cố, chuyên gia này cho rằng trong bất kỳ tình huống nào, nếu người bên trong giữ được bình tĩnh để sáng suốt phản ứng tùy trường hợp, sẽ giúp giảm thiểu thương vong. Ông Tùng đưa ra một số lưu ý như sau:

- Thông thường đang ở trong thang máy mà bị ngừng đột ngột, mọi người sẽ hoảng loạn, khóc lóc và tìm mọi cách "tháo tung" cabin để thoát ra ngoài. Phản ứng này trên thực tế không có ích gì mà chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, không tìm mọi cách phá thang máy để trèo lên trên hay dùng tay để mở vì dường như không thể.

- Bấm nút mở cửa cabin là bước tiếp theo bạn nên làm. Nếu không được thì đừng quá sợ hãi. Nhiều người bị ám ảnh bởi những bộ phim hành động nên lo ngại khi thang máy gặp sự cố sẽ bị ngộp vì không đủ oxy. Thực tế hiếm khi xảy ra tình trạng này.

- Bấm chuông báo động khẩn cấp hoặc nút trợ giúp (thường là nút nổi bật nhất trong cabin) là điều cần làm. Trên thực tế mọi người thường quên động tác này.

- Nếu nút báo động không phát huy tác dụng, hãy gọi to hoặc gõ vào thành thang máy để báo cho người ở ngoài biết.

- Trường hợp thang máy rơi "không phanh", một số người nghĩ rằng tư thế khuỵu gối hay nhảy liên tục trên sàn thang máy sẽ an toàn hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm. Về lý thuyết, để an toàn, bạn phải nhảy lên cùng lúc và cùng tốc độ với thang máy trôi (khoảng 160 km một giờ), đó là điều không tưởng. Vì vậy nhảy lên chỉ làm gia tăng mức độ nguy hiểm mà thôi.

H.H (tổng hợp)