Môi trường

Điều tra vụ đối tượng đào hàng nghìn m2 để khai thác đá cảnh

Cơ quan chức năng xác định hàng chục m3 đá “mồ côi” bị đào bới lên khỏi mặt đất từ trước đó, diện tích bị đào bới lên đến 2.000m2.

Đào đá “mồ côi” để cải tạo đất trồng cây?

Ngày 25/5, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, đơn vị đã có báo cáo xác minh nội dung phản ánh việc khai thác khoáng sản (đá cảnh) trái phép tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Theo đó, ngày 7/5, ngay sau khi nhận được phản ánh khai thác khoáng sản (đá cảnh) trái phép tại xã Hạ Sơn, lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Hạ Sơn tiến hành kiểm tra, xác minh.

Kết quả cho thấy nội dung phản ánh là có cơ sở. Tại hiện trường có hàng chục khối đá “mồ côi” bị đào bới lên khỏi mặt đất từ trước đó, diện tích bị đào bới khoảng 2000m2. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra không có phương tiện hay đối tượng vi phạm. Do khu vực bị đào bới ở xa khu dân cư, việc xác minh đối tượng vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, nên chưa thực hiện được.

Sau khi kiểm tra, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hạ Sơn thống kê cụ thể số đá đã khai thác; Bảo vệ hiện trường tuyệt đối không để các đối tượng tẩu tán số đá trên; kiểm tra, xác minh, làm rõ: Thời gian xảy ra; Đối tượng vi phạm; Chủ sử dụng thửa đất tại vị trí bị đào bới... báo cáo cụ thể các nội dung về UBND huyện để tiếp tục chỉ đạo xử lý theo quy định.

UBND huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu UBND xã Hạ Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân liên quan.

Theo báo cáo của UBND xã Hạ Sơn, vị trí bị đào bới tại thửa đất rộng hơn 7.600m2 do ông Hoàng Văn Lực (xóm Cồn Tô, xã Hạ Sơn) khai hoang và sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp từ năm 2000 đến nay, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khối lượng đá tại hiện trường khoảng hơn 80m3.

“Ông Hoàng Văn Lực khai nhận từ ngày 30/4 đến ngày 2/5/2023, đã thuê máy múc để san gạt, đào đá mồ côi lên khỏi mặt đất để nhằm mục đích cải tạo đất trồng cây nhưng không báo cáo và xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định, số đá đào lên đang tập kết tại hiện trường, chưa vận chuyển ra ngoài thửa đất”, báo cáo của UBND xã Hạ Sơn nêu.

Sau khi kiểm tra, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hạ Sơn thống kê cụ thể số đá đã khai thác. Đồng thời bảo vệ hiện trường, tuyệt đối không để các đối tượng tẩu tán số đá trên. Cùng với đó là kiểm tra, xác minh, làm rõ thời gian xảy ra; đối tượng vi phạm; chủ sử dụng thửa đất tại vị trí bị đào bới.

Yêu cầu kiểm điểm cá nhân liên quan

Ngày 12/5, đoàn công tác của UBND huyện gồm lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện, các phòng ban gồm: Tài nguyên - Môi trường, Kinh tế - Hạ tầng, Tư pháp tiếp tục kiểm tra tại hiện trường và làm việc với Đảng ủy, UBND xã Hạ Sơn để chỉ đạo xác minh, xử lý vụ việc.

Hàng trăm viên đá lớn nhỏ bị đào lên tập kết tại hiện trường. Ảnh Đình Tiệp.

Qua kiểm tra thực tế và các ý kiến tại buổi làm việc, UBND huyện đã giao cho UBND xã Hạ Sơn chỉ đạo các bộ phận có liên quan và Công an xã xác minh làm rõ nguồn gốc sử dụng đất; lấy lời khai của chủ sử dụng thửa đất, đối tượng vi phạm, xác định rõ hành vi vi phạm, đo đếm cụ thể khối lượng đá đã đào bới tại hiện trường... Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của tập thể và cá nhân được UBND xã giao, có biện pháp ngăn chặn không để đối tượng tẩu tán đá ra khỏi hiện trường.

Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Hạ Sơn đã tổ chức họp và nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, Trưởng Công an xã, Công chức địa chính xã trong việc để xảy ra vụ việc mà không kịp thời phát hiện, xử lý. Đồng thời chỉ đạo Công an xã khẩn trương điều tra, xác minh, lấy lời khai của các cá nhân liên quan.

Đối với số đá đang để tại hiện trường cũng như toàn bộ khu vực xảy ra đào bới đất, UBND huyện giao cho UBND xã Hạ Sơn chủ trì, phối hợp các phòng chuyên môn của UBND huyện và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và phân công lực lượng tuần tra canh gác, đảm bảo giữ nguyên hiện trường, tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đá “mồ côi” là những tảng đá lớn hay khối đá đứng cheo leo trên đỉnh núi, hay nằm xen lẫn với đất đá vụn trên sườn hoặc dưới chân đồi. Loại đá này tách biệt hẳn với các tầng đá vốn cùng nguồn gốc với chúng, có vẻ biệt lập và cô đơn. Đá mồ côi thường lẻ từng viên hoặc từng hòn, và những hòn này thường có chất lượng tốt, ngoại hình đẹp, thích hợp cho giới nghệ nhân chế tác những tác phẩm điêu khắc hoặc làm hòn non bộ.