An ninh - Hình sự

Điều tra vụ 19 người đàn ông lấy chung 2 vợ  

Những người đàn ông này đều là nạn nhân của một vụ lừa đảo kết hôn, với tổng giá trị tài sản bị lừa đảo lên đến hơn 7 tỷ đồng.

Trong 2 năm qua, các nhà chức trách ở Nội Mông, Trung Quốc cho hay, các vụ lừa đảo hôn nhân được thực hiện trót lọt trong suốt 2 năm qua, vỡ lở khi 1 trong số 19 nạn nhân nhìn thấy vợ mình trên video phát trực tuyến.

Các "cô dâu giả" không yêu cầu đăng ký kết hôn trên giấy tờ, chỉ cần tổ chức đám cưới và nhận sính lễ. Hầu hết nạn nhân đến từ vùng nông thôn, trên độ tuổi kết hôn trung bình nhưng vẫn chưa lập gia đình.

Cảnh sát cho biết nhóm lừa đảo bao gồm 2 phụ nữ đóng vai làm cô dâu, 2 người đóng vai người thân và một người mai mối họ Li. Tính tới thời điểm bị bắt giữ, nhóm này đã thực hiện 19 phi vụ kết hôn giả thành công tại nhiều ngôi làng khác nhau ở Nội Mông và Cam Túc.

Thủ đoạn của nhóm lừa đảo trên hết sức tinh vi và phức tạp. Ban đầu, những người này liền cùng gia đình "giả" tìm đến nhà của những người đàn ông có nhu cầu lấy vợ.

Nhóm tội phạm này thường thuyết phục các chú rể và gia đình của họ tránh đăng ký kết hôn chính thức. Tuy nhiên, chúng vẫn nhận sính lễ bao gồm tiền mặt và trang sức. Tổng số tiền lừa đảo lên tới 2 triệu NDT (7,23 tỷ đồng).

Sau khi kết hôn, người vợ giả mạo tìm đủ lý do khác nhau để rời khỏi nhà, tiếp tục lừa nhiều nạn nhân khác.

Lợi dụng tình trạng thiếu hụt phụ nữ kết hôn, nhóm lừa đảo đã thừa cơ lừa gạt chiếm đoạt tài sản của 19 nạn nhân với tổng số tiền lên tới hơn 7 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ giới tính chênh lệch lớn hiện nay ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến đàn ông ngày càng khó tìm được vợ.

Theo kết quả điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc, số nam giới từ 20-40 tuổi, độ tuổi được cho là phù hợp để kết hôn, nhiều hơn tới 17,52 triệu người so với với nữ giới.

Theo The Paper, kết quả tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ 7 ở Trung Quốc cho thấy, số lượng nam giới ở Trung Quốc đang nhiều hơn nữ giới tới 34,9 triệu người.

Điều này đã xôn xao dư luận Trung Quốc những ngày qua khi nhiều thông tin cho rằng hơn 30 triệu nam giới này sẽ bị ế vợ. Con số này thậm chí còn nhiều hơn tổng dân số của không ít quốc gia trên thế giới.

Chính sách “một con” của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1979 - 2016 đã làm trầm trọng tình trạng can thiệp thủ thuật để lựa chọn giới tính nam ở nước này.

Ngoài ra, những gánh nặng và áp lực từ cuộc sống là một trong những lý do chính khiến ngày càng nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là nam giới, ngại lập gia đình.

Đàn ông thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn ở Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tìm vợ. Họ thường là những người đến từ các vùng nông thôn, có học vấn thấp và không có đủ khả năng cạnh tranh để tìm bạn đời.

Hơn nữa, nhiều nơi ở Trung Quốc vẫn nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ", một khi quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, Trung Quốc vẫn cần rất nhiều thời gian để đưa cán cân giới tính về mức cân bằng.

Thanh Minh (Tổng hợp)