Quân sự

Điều thực sự khiến Israel bất an không phải sức mạnh của S-300 ở Syria

Không quân Israel có thể sở hữu những phương tiện để đối phó với một cuộc chiến điện tử của Nga và hệ thống phòng không của Syria nhưng nếu thực sự cân nhắc tới phương án này, Tel Aviv có thể sẽ thổi bùng lên nguy cơ khủng hoảng Nga-Israel.

Gieo gió gặt bão?

Hôm 24/9, Nga thông báo sẽ cung cấp hệ thống phòng không S-300 tân tiến cho Syria trong vòng hai tuần sau đó – động thái đánh dấu những rạn nứt mới nhất trong quan hệ giữa Israel và Moscow sau khi máy bay Nga bị bắn hạ nhầm ở ngoài khơi bờ biển Syria vào tuần trước.

Hệ thống S-300 của Nga.

Ngoài việc cung cấp S-300 cho Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu còn tuyên bố Moscow sẽ phá sóng điều hướng vệ tinh, radar, hệ thống liên lạc trên các chiến đấu cơ có ý định tấn công Syria.

Tuy nhiên, theo tờ Times of Israel, điều thực sự khiến Israel lo lắng không phải là những rào cản chiến thuật đến từ sức mạnh của S-300 hay hệ thống gây nhiễu sóng của Nga, mà là những diễn biến này có thể làm phá vỡ quan hệ của Israel với Kremlin.

Kể từ những năm 1960 và 1970, Tel Aviv đã phải đối mặt với một Moscow tích cực hoạt động đi ngược lại những lợi ích của Israel. Dù ngày nay, Nga thực sự cung cấp vũ khí cho nhiều quốc gia, lực lượng được coi là kẻ thù của Israel – trong đó có lá chắn S-300 cho Iran – nhưng Israel hiểu rằng đó là vì lợi ích kinh doanh mà không mang tính đối đầu với Tel Aviv.

Cuộc khủng hoảng hiện tại có khả năng sẽ thay đổi điều đó, tất cả còn đang tùy thuộc vào cách Israel, Nga và Mỹ xử lý.

Dù hành động của Nga là tương đối “thù địch một cách công khai” với Israel kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh song quan điểm của Moscow vẫn có thể thay đổi, ít nhất là ở một mức độ nhất định.

Trong hơn 5 năm qua, Nga đã đe dọa sẽ bán hệ thống phòng không S-300 cho Syria, nhưng đã trì hoãn theo đề nghị của Israelm và đôi khi là Chính phủ Mỹ.

Hệ thống S-300 với bán kính hoạt động lên tới 250km là một phiên bản nâng cấp đáng kể của lá chắn tên lửa S-200 mà Syria hiện đang sử dụng.

Cho tới nay, Moscow cho biết sẽ cấp 2 đến 4 khẩu đội S-300 cho Syria, nhưng cũng sẵn sàng cấp nhiều hơn nếu cần thiết. Theo truyền thông Nga, các hệ thống này sẽ được lắp đặt ở bờ Tây Syria và khu vực phía Tây Nam nước này, gần biên giới Israel và Jordan – hai khu vực mà Không quân Israel có nhiều khả năng sẽ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Syria.

Nga vẫn chưa nêu chi tiết về mẫu S-300 mà nước này định bán cho Syria. Có rất nhiều phiên bản S-300 khác nhau, mỗi loại có một tầm hoạt động với khả năng khác nhau. Thậm chí radar của phiên bản có chất lượng thấp nhất cũng có thể theo dõi các chuyến bay ở quanh phía Bắc Israel và những chuyến bay dân sự đến và đi sân bay quốc tế Ben Gurion, phụ thuộc vào nơi nó được đặt ở Syria.

Mối đe dọa từ S-300 và chiến tranh điện tử

Đối với Israel, S-300 có thể là một trở ngại nhưng vượt qua hệ thống lá chắn này không phải là điều gì quá khó khăn đối với Tel Aviv ở Syria, nơi mà nước này thường xuyên đánh bom vào các cơ sở của quân Iran và Hezbollah.

Dù S-300 mạnh hơn rất nhiều so với hệ thống S-200 mà hiện tại Syria đang khai thác sử dụng song Không quân Israel cũng đã chuẩn bị trong hàng thập kỷ để đối phó.

Một số đồng minh của Israel đang vận hành hệ thống phòng thủ này. Không quân Israel được cho là đã từng tập trận chống lại khẩu đội S-300 từng thuộc về Cyprus, hiện giờ thuộc về Hy Lạp, trong một cuộc diễn tập không quân nhiều năm trước.

Máy bay F-35.

 

Israel cũng tự tin khi sở hữu một đội chiến đấu cơ F-35 đang tiếp tục phát triển với sức mạnh đáng nể. Các máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm này đã được đưa vào vận hành, Không quân Israel cho biết đầu năm nay.

Và Không quân Israel cũng nổi tiếng với khả năng tác chiến điện tử. Trên thực tế, trong cuộc chiến Liban năm 1982, Không quân Israel đã sử dụng radar gây nhiễu chống lại hệ thống phòng không Liên Xô cung cấp cho Syria, phá hủy 29 trong số 30 khẩu đội phòng không nước này.

Israel cũng đã sử dụng công nghệ này trong cuộc tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Syria ở Deir Ezzor vào năm 2007, ngăn chặn hệ thống phòng thủ của Syria trong cuộc đột kích.

Nhưng hệ thống S-300 của Nga cung cấp không chỉ là thách thức mang tích quân sự mà nó còn có ý nghĩa thách thức địa chính trị.

Dù trong thông báo của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho hay quân nhân Syria đã được đào tạo để vận hành S-300 nhưng cho tới nay vẫn chưa rõ liệu lính Nga có tham gia vận hành hay không.

Nếu đúng như vậy, Israel sẽ rất khó để đưa ra quyết định hủy diệt S-300, vì sẽ liên quan tới các lực lượng của Nga.

Kế hoạch sử dụng tác chiến điện tử để đối phó với “những cái đầu nóng” Israel – theo như lời ông Shoigu – cũng là một thách thức khác khiến Không quân Israel phải cân nhắc.

Theo truyền thông Nga, các hệ thống tác chiến điện tử sẽ tạo ra một “mái vòm vô tuyến điện tử” với bán kính hàng trăm cây số xung quanh phía Tây Syria và bờ biển Địa Trung Hải, sẽ ảnh hưởng không chỉ chiến đấu cơ Israel mà còn với các chiến hạm Mỹ và Pháp và những máy bay quân sự quanh khu vực này.

Đầu năm nay, khi Nga một lần nữa đe dọa trang bị S-300 cho Syria, các quan chức Israel cho biết Không quân nước này đã chuẩn bị đối phó với bất kỳ hệ thống phòng không nào có thể bắn máy bay của mình, bất kể là ai cung cấp hoặc vận hành hệ thống đó.

“Có một điều cần làm rõ: Nếu ai đó bắn máy bay của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiêu diệt họ. Không quan trọng đó là S-300 hay S-700”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc đó cho hay.

Dù Không quân Israel có thể vượt qua những thách thức về tác chiến điện tử của Nga cũng như có thể phá hủy S-300 do Nga cung cấp trong quyền hạn của mình nhưng hành động đó có thể dẫn tới nguy cơ căng thẳng cực độ với Nga, đẩy hai nước tới bờ vực sụp đổ quan hệ ngoại giao hoàn toàn.

Xem thêm: Có S-300 của Nga, Israel sẽ không dám liều lĩnh tấn công Syria?