Bất động sản

Điều kiện, thủ tục cần thiết nhập hộ khẩu Hà Nội khi đã có nhà

Nếu sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong nhiều năm, sở hữu một căn hộ tại Thủ đô đắt đỏ, nhiều người vẫn không đủ điều kiện để nhập khẩu tại đây. Vậy điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội là gì? Thủ tục làm sổ hộ khẩu như thế nào?

TP. Hà Nội tập trung một lượng lớn người lao động ngoại tỉnh làm việc và sinh sống. Hầu hết người sống ổn định và đã có nhà ở tại Hà Nội đều có nguyện vọng nhập hộ khẩu, nhưng không phải ai cũng biết rõ các quy định về điều kiện, thủ tục liên quan.

Để xác định trường hợp được nhập hộ khẩu Hà Nội (đăng ký thường trú tại Hà Nội) hay không cần căn cứ vào các quy định của Luật cư trú và Luật Thủ đô về điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội.

Điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội khi đã có nhà?. (Ảnh minh họa)

Điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội

Việc đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội được chia thành hai trường hợp với điều kiện cụ thể.

Trường hợp 1, nhập hộ khẩu khu vực nội thành (các quận thuộc Hà Nội: quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ, quận Long Biên, quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm).

Theo khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô 2012, người ngoại tỉnh có nhu cầu nhập hộ khẩu ở nội thành Hà Nội cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên

- Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở

- Riêng nhà thuê phải có diện tích tối thiểu 15m2 sàn/đầu người và có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân cho thuê về việc cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Ngoài ra, người ngoại tỉnh có thể nhập hộ khẩu tại nội thành Hà Nội nếu được người có Sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình và thuộc một trong các trường hợp: Vợ về ở với chồng và ngược lại; con về ở với cha, mẹ và ngược lại; Người dưới 18 tuổi không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột…

Trường hợp 2, nhập hộ khẩu ngoại thành (huyện, thị xã).

Theo khoản 3 Điều 19 của Luật Thủ đô 2012, điều kiện nhập hộ khẩu ở ngoại thành Hà Nội sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật cư trú.

Cụ thể, Điều 20 của Luật Cư trú 2006 quy định về các điều kiện này như sau:

- Đã tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên.

- Có chỗ ở hợp pháp. Nếu chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Tương tự như ở nội thành, người ngoại tỉnh có thể nhập hộ khẩu tại ngoại thành Hà Nội nếu được người có Sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình và thuộc một trong các trường hợp: Vợ về ở với chồng và ngược lại; con về ở với cha, mẹ và ngược lại; Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp…

Thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, hiện nay thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội cũng được thực hiện theo quy định của Điều 21 Luật Cư trú 2006 và hướng dẫn của Thông tư 35/2014/TT-BCA.

Hồ sơ cần chuẩn bị:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu

- Giấy chuyển hộ khẩu

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và các giấy tờ khác chứng minh thuộc điều kiện được nhập hộ khẩu (giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con nếu nhập khẩu theo cha, mẹ hoặc theo con; Giấy đăng ký kết hôn nếu nhập hộ khẩu theo chồng…)

Theo điểm a, khoản 1 Điều 21 của Luật Cư trú, người muốn nhập hộ khẩu tại Hà Nội nộp hồ sơ tại Công an quận, huyện, thị xã.

Theo Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND, mức lệ phí được quy định như sau:

- Tại các quận: Lệ phí nhập hộ khẩu là 15.000 đồng; Lệ phí cấp mới Sổ hộ khẩu là 20.000 đồng.

- Tại các khu vực khác: Lệ phí nhập hộ khẩu là 8.000 đồng; Lệ phí cấp mới Sổ hộ khẩu là 10.000 đồng.

Thời gian cấp Sổ hộ khẩu là 15 ngày, kể ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).

Hoàng Mai