Tiêu điểm

Điều kiện để đàm phán giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra

Nga muốn Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và cam kết không triển khai vũ khí trên lãnh thổ.

Theo RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đã sẵn sàng đàm phán các điều khoản với Kiev liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận với người đồng cấp Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga muốn Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và cam kết không triển khai vũ khí trên lãnh thổ.

Ông Peskov cho rằng đây là những điều kiện có thể giúp đạt được mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh Nga.

Tổng thống Nga Putin 

"Tổng thống đã cho thấy tầm nhìn của ông về những gì chúng tôi mong đợi từ Ukraine, để những vấn đề được gọi là "lằn ranh đỏ" phải được giải quyết. Đó là duy trì trạng thái trung lập và không triển khai vũ khí", ông Peskov cho biết. 

Người phát ngôn Điện Kremlim cho biết ông Putin sẽ xác định thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán, nhưng khẳng định rằng Nga sẽ chỉ tham gia "nếu lãnh đạo của Ukraine sẵn sàng nói về nó”.

"Chiến dịch của Nga có các mục tiêu đặt ra và Nga phải đạt được các mục tiêu đó. Tổng thống nói rằng mọi quyết định đã được đưa ra và các mục tiêu sẽ phải đạt được", ông Peskov cho biết.

Theo ông Peskov, nếu Ukraine đồng ý đáp ứng các yêu cầu từ phía Nga, chiến dịch quân sự hiện tại của Nga tại Ukraine có thể kết thúc.

Hôm 24/2, ông Putin đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, với mục đích "đảm bảo hòa bình" ở các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk ly khai ở khu vực Donbass.

Chiến dịch tấn công toàn diện của Nga hướng đến các mục tiêu như sân bay, căn cứ quân sự và thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev.

Ngày 24/2 Lầu Năm Góc xác nhận sẽ triển khai khoảng 7.000 binh sĩ Mỹ tới Đức khi Washington cáo buộc Nga tấn công Ukraina. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội Mỹ sẽ không vào Ukraina, và lực lượng này sẽ chỉ bảo vệ lãnh thổ NATO.

Chia sẻ với các phóng viên, ông Biden cho biết quân đội được cử đi là một phần của lực lượng đã được đặt trong tình trạng báo động cao vào tháng trước. Lầu Năm Góc sau đó cho biết đơn vị tham gia là một lữ đoàn thiết giáp chiến đấu và các thành phần hỗ trợ.

Những binh sĩ này nằm trong danh sách cải tổ các lực lượng Mỹ đã có mặt ở Châu Âu mà ông Biden ra lệnh hôm 22/2. Khoảng 800 binh sĩ từ Italia đã được lệnh tới các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, trong khi 32 máy bay trực thăng tấn công Apache đến Ba Lan và 8 máy bay tiêm kích F-35 khác tới các căn cứ không xác định ở Đông Âu.