Thế giới

Điều gì sẽ xảy ra nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?

Sau khi cuộc xung đột hiện tại kết thúc, Nga sẽ cần có thời gian “dưỡng thương”, cho nên đây là thời điểm tốt để gia nhập NATO.

Biên giới trên bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự mạnh nhất thế giới.

Nga và các nước thành viên NATO hiện có chung đường biên giới trên bộ dài 1.215 km (754 dặm). Nếu Phần Lan gia nhập, con số này sẽ tăng lên thành 2.600 km.

Trong một tuyên bố chung hôm 12/5, Tổng thống Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin của Phần Lan cho biết, tư cách thành viên NATO của nước họ sẽ giúp củng cố toàn bộ liên minh.

"Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức. Chúng tôi hy vọng rằng các bước đi cần thiết trong nước để đưa ra quyết định này sẽ được thực hiện nhanh chóng trong vòng vài ngày tới".

Trong khi đó, Thụy Điển, vốn có lập trường miễn cưỡng hơn khi nói đến việc tham gia NATO, dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào cuối tuần này.

Thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Ảnh: Daily Mail

Việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên có nghĩa là sự không chắc chắn của NATO về cách Thụy Điển và Phần Lan sẽ hành động trong một cuộc khủng hoảng, sẽ không còn nữa, ông Robert Dalsjo, nhà phân tích cấp cao về NATO tại cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, nói với DW.

"NATO sẽ biết chắc chắn Thụy Điển và Phần Lan đứng ở đâu (trong cuộc khủng hoảng đó), và điều đó sẽ giúp tăng cường an ninh và khả năng răn đe của NATO ở khu vực Biển Baltic. Nó cũng sẽ giúp liên minh này bảo vệ các quốc gia Baltic dễ dàng hơn vì, ví dụ, sẽ không còn bất kỳ câu hỏi nào về việc liệu không phận Thụy Điển có được sử dụng để gửi quân đội hoặc tiếp tế tới các quốc gia Baltic”, ông Dalsjo cho biết.

"Về mặt chính trị, nó cũng sẽ là một lợi thế", ông bổ sung.

Ông Harry Nedelcu, chuyên gia về NATO và Giám đốc Chính sách tại Rasmussen Global, một công ty tư vấn chính trị quốc tế, cũng có quan điểm tương tự.

"Thông điệp đầu tiên của các quốc gia này khi gia nhập NATO là mang tính chính trị và là vì Nga. Thứ hai, đối với NATO, đó là khả năng thực sự mà Phần Lan và Thụy Điển mang lại cho liên minh này. Sau Chiến tranh Lạnh, Phần Lan và Thụy Điển đã và đang xây dựng khả năng quân sự của họ, điều này có thể mang lại khá nhiều lợi ích cho NATO", ông Nedelcu nói với DW.

Phái viên Phần Lan tại NATO, Klaus Korhonen, nói với DW rằng, mặc dù Nga vẫn là một nước láng giềng quan trọng đối với Phần Lan, nhưng niềm tin chính trị vào mối quan hệ này đã bị phá vỡ.

"Theo một cách nào đó, Nga đã thay đổi cuộc chơi ở châu Âu trong tương lai. Vì vậy, tôi nghĩ chắc chắn một trong những nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại của Phần Lan trong tương lai cũng là xây dựng lại với Nga một mối quan hệ hiệu quả dựa trên lợi ích chung. Nhưng điều đó sẽ xảy ra như thế nào thì vẫn còn phải xem".

Lập trường thay đổi

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, cả Phần Lan và Thụy Điển đều xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu (EU) và trở thành thành viên của khối vào năm 1995. Tuy nhiên, cả 2 quốc gia này vẫn tiếp tục duy trì trạng thái trung lập về mặt quân sự.

Thụy Điển đã không là một phần của bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm và cũng duy trì trạng thái trung lập trong suốt Thế chiến II.

Trong khi đó, Phần Lan chuyển sang chế độ trung lập sau khi bị Liên Xô đánh bại trong Thế chiến II.

Nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến cả 2 nước bối rối và khơi mào cho các cuộc thảo luận mới về chính sách an ninh trong tương lai.

Binh sĩ Phần Lan tham gia cuộc tập trận tại cứ điểm Niinisalo ở Kankaanpaa, Phần Lan. Ảnh: CGTN

"Đối với người Phần Lan, chính sách đối ngoại luôn xoay quanh nhận thức rằng chúng tôi có đường biên giới chung rất dài với Nga, có sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng, và cũng có sự hiểu biết rằng quý vị có thể thúc đẩy lịch sử", cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nói với DW.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng xung đột Nga – Ukraine đã dẫn đến sự thức tỉnh dân tộc mạnh mẽ hơn ở quốc gia Bắc Âu này như thế nào.

"Vài tuần trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát thành hành động quân sự, 50% người Phần Lan phản đối tư cách thành viên NATO và 20% ủng hộ. Qua một đêm, đã có một sự đảo ngược thành 50% ủng hộ và 20% phản đối". Bây giờ, sau khi giới lãnh đạo Phần Lan đã tỏ rõ lập trường của mình, ông Stubb cho rằng tỉ lệ ủng hộ sẽ tăng lên thành 80%.

Đối với Thụy Điển, động thái gia nhập NATO thậm chí còn là một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận.

"NATO chưa bao giờ thấy một ứng viên nào kém nhiệt tình hơn Thụy Điển, hiện đang do Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền. Họ biết rằng nếu Phần Lan nộp đơn, họ sẽ phải nộp đơn, bởi vì nếu không Thụy Điển sẽ nằm ngoài NATO và sẽ phải chi nhiều hơn cho quốc phòng", bà Elisabeth Braw, thành viên thường trú tại American Enterprise Institute, nói với DW.

Ông Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan, cho biết thêm rằng khi tình hình trên thực địa thay đổi, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng.

"Phần Lan đã làm như vậy trong suốt lịch sử của mình. Thụy Điển không cần thiết phải làm điều đó. Nhưng bây giờ khi họ phải đối mặt với một nước Nga khác, họ đang đi đến kết luận rằng tư cách thành viên NATO là con đường phải đi", ông nói.

Những thách thức mới

Các thành viên NATO đã tuyên bố rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ được "chào đón với vòng tay rộng mở", với người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg nói thêm rằng quá trình phê duyệt tư cách thành viên của họ sẽ "diễn ra nhanh chóng".

Tuy nhiên, ông Dalsjo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển cho rằng thách thức lớn đối với NATO không phải là sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, mà là làm thế nào để đối phó với tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

"NATO đã trung thành với quan điểm cho rằng nhân loại đã bước qua giai đoạn khó khăn và Nga là một đối tác chiến lược. Vì lý do đó, liên minh này đã không xây dựng được một thế trận lực lượng vững chắc ở phương Đông. Điều đó sẽ phải thay đổi", ông Dalsjo nhận định.

Ông Nedelcu của Rasmussen Global cho rằng sự gia nhập của các nước Bắc Âu sẽ tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Baltic.

“Phần Lan và Thụy Điển vốn nằm trong số những đối tác mạnh nhất và dễ tích hợp nhất của NATO, và việc họ gia nhập liên minh sẽ dẫn đến sự hiện diện hải quân mạnh mẽ hơn của NATO ở vùng biển Baltic”, ông Nedelcu nhận xét.

Các phương tiện quân sự của Thụy Điển và Phần Lan trong cuộc tập trận của NATO ở Evenes, Na Uy, tháng 3/2022. Ảnh: The Guardian

“Thời điểm tốt để gia nhập NATO”

Moscow, trong khi đó, đã cảnh báo về các hậu quả. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng, việc NATO mở rộng về phía Đông sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.

Tháng trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo rằng Moscow sẽ củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực Baltic nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Nhưng bà Braw của American Enterprise Institute cho rằng, việc Nga đưa quân sang Phần Lan hoặc Thụy Điển là rất khó xảy ra.

"Không ai cho rằng Nga có khả năng đưa quân sang Thụy Điển hoặc Phần Lan nếu họ xin gia nhập NATO bởi vì Moscow rõ ràng không có đủ nguồn lực. Hiện tại, họ đang kẹt ở Ukraine. Vì vậy, bây giờ sẽ không phải là lúc để Nga trả đũa quân sự đối với Thụy Điển và/hoặc Phần Lan", bà Braw nhận định.

"Những gì Nga đang làm vào lúc này là tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Phần Lan và thực hiện các chiến dịch truyền thông chống lại Thụy Điển. Nếu đó là điều tốt nhất họ có thể làm, tôi nghĩ đây là thời điểm rất tốt để họ gia nhập NATO", bà Braw bổ sung.

Ông Nedelcu cho rằng nếu Nga gây hấn trong giai đoạn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển được phê duyệt, thường kéo dài cả một năm, các đồng minh của 2 nước này có thể triển khai một số khí tài quân sự ở Biển Baltic để gửi một thông điệp chính trị tới Điện Kremlin.

Vương quốc Anh đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với Thụy Điển và Phần Lan nhằm cung cấp đảm bảo an ninh cho họ trong giai đoạn “nhạy cảm” trên.

Các nước phương Tây khác dự kiến sẽ có các thỏa thuận tương tự với cả Thụy Điển và Phần Lan.

Chi tiêu quốc phòng của Thụy Điển sẽ tăng thêm 40% lên thành 11 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: DW

Bà Braw nhắc lại rằng, cho dù không có sự hỗ trợ từ Anh và Mỹ, đây vẫn là thời điểm rất tốt để 2 quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

Theo bà, sau khi cuộc xung đột hiện tại kết thúc, Nga sẽ cần có thời gian để “dưỡng thương”, và rồi họ có thể sẽ “trở lại và lợi hại hơn xưa”.

"Và vì vậy, Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia khác trong khu vực sẽ thực sự phải lo lắng về sự gây hấn tiềm tàng của Nga trong tương lai, và đây sẽ là thời điểm tốt để trở thành thành viên NATO", bà Braw kết luận.

Minh Đức (Theo DW)