Thế giới

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga bị loại hỏi SWIFT? Vì sao EU chần chừ?

Vấn đề là việc loại Nga khỏi SWIFT thực sự có thể gây tổn hại cho một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức và Italy.

SWIFT đã trở thành một chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm trong cuộc bàn luận về biện pháp trừng phạt Nga. Việc chấm dứt quyền tiếp cận của các ngân hàng Nga sẽ khiến quốc gia này bị cô lập khỏi cộng đồng tài chính toàn cầu và gây thêm áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.

Trong bình luận của mình hôm 24/2, Tổng thống Joe Biden đã để ngỏ khả năng trừng phạt này. Và cho đến ngày 25/2, EU cho biết vẫn đang thảo luận về việc liệu có nên cắt đứt với Nga hay không.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng lớn của Nga được công bố hôm 24/2 sẽ có hiệu quả như việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT mà ít gây thiệt hại hơn cho châu Âu. Ông Chris Miller, giám đốc chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết: “Quốc hội và giới truyền thông bị ám ảnh bởi SWIFT vì những nguyên nhân mà nhiều người không hiểu đầy đủ”.

Vậy chính xác thì SWIFT là gì? Lệnh cấm có ý nghĩa gì đối với Nga? Và tại sao EU lại không ban hành lệnh cấm? 

Quân nhân Ukraine lái xe tăng tiến về chiến tuyến với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, Ukraine vào ngày 25/2/2022. Ảnh: Getty Images.

SWIFT là gì?

SWIFT, hay Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, là một mạng liên lạc toàn cầu an toàn mà các ngân hàng sử dụng để thực hiện thanh toán xuyên biên giới. Mạng lưới này giúp cho các tổ chức tài chính thuận lợi chuyển tiền cho nhau, đảm bảo thương mại toàn cầu diễn ra suôn sẻ.

SWIFT được thành lập vào năm 1973, đặt trụ sở chính tại Bỉ, dưới sự giám sát bởi các ngân hàng trung ương ở Châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản.

Ngày nay SWIFT được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính, có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ dùng để gửi các lệnh thanh toán một cách an toàn. Vào năm 2020, gần 40 triệu tin nhắn với hàng nghìn tỷ USD đã được chuyển qua nền tảng này mỗi ngày. Cho đến nay, nó đã trở thành mạng nhắn tin thanh toán quan trọng nhất trên thế giới.

Các tin nhắn gửi qua nền tảng được đảm bảo an toàn. Từ đó giúp các ngân hàng thực hiện lệnh thanh toán một cách nhanh chóng và các tổ chức tài chính có thể xử lý khối lượng giao dịch lớn mỗi ngày.

Lệnh cấm có ý nghĩa như thế nào đối với Nga?

Việc bị loại khỏi mạng lưới SWIFT sẽ khiến các công ty và cá nhân tại Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán hàng hóa nhập khẩu hay nhận các khoản thanh toán hàng xuất khẩu. Nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực dầu khí quan trọng của Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào SWIFT để chuyển tiền. Nó cũng sẽ hạn chế khả năng đầu tư hoặc vay nợ của người Nga ở nước ngoài.

Hãng tin DW trích dẫn lập luận cho thấy việc các ngân hàng Iran rời khỏi mạng lưới vào năm 2012 đã khiến xuất khẩu dầu nước này sụt giảm nghiêm trọng.

Trên thực tế, các tổ chức tài chính của Nga có thể sử dụng những kênh khác như điện thoại, ứng dụng nhắn tin hoặc email để thay thế xử lý các khoản thanh toán qua ngân hàng tại các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, những lựa chọn thay thế này không hiệu quả và an toàn như SWIFT, có thể dẫn đến chi phí cao hơn và giảm khối lượng giao dịch.

Nga đã phát triển mạng nhắn tin thanh toán của riêng mình, được gọi là SPFS. Hệ thống này xử lý khoảng 1/5 các khoản thanh toán trong nước, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả cao khi so sánh với quy mô và hiệu quả mà SWIFT mang lại.

Quang cảnh Quảng trường Độc lập, ở Kiev, Ukraine trống vắng vào ngày 24/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Tại sao EU không ban hành lệnh cấm?

Vấn đề là việc loại Nga khỏi SWIFT thực sự có thể gây tổn hại cho một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức và Italy. Nếu không có SWIFT, các nước này sẽ khó mua dầu và khí đốt từ Nga.

Nền kinh tế EU có mối quan hệ gắn bó với Nga chặt chẽ hơn so với nền kinh tế Mỹ, có thể phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn trong trường hợp Moscow bị loại khỏi SWIFT. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy các ngân hàng EU nắm giữ một phần lớn trong số gần 30 tỷ USD (27 tỷ Euro) giao dịch của các ngân hàng nước ngoài với Nga.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Vào năm 2020, khoảng 37% hàng hóa nhập khẩu của Nga đến từ EU, trong khi gần 38% hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này sang EU. EU phụ thuộc rất nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng, hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt và khoảng một phần tư lượng dầu của EU là từ quốc gia này.

Bà Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard, chia sẻ với hãng tin DW rằng: "Lệnh cấm SWIFT cũng sẽ tác động xấu đến châu Âu. Bởi họ không thể thanh toán khí đốt Nga thông qua các ngân hàng đại lý mà sử dụng USD trong giao dịch nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Điều này sẽ gây thiệt hại cho thị trường khí đốt, có thể khiến khí đốt bị cắt giảm vào mùa đông".

SWIFT có bị ràng buộc bởi các biện pháp trừng phạt không?

SWIFT, một hiệp hội liên kết các ngân hàng toàn cầu, đã thể hiện sự trung lập về mặt chính trị và từ chối những lời kêu gọi loại bỏ các quốc gia khỏi mạng lưới. Tuy nhiên, SWIFT vốn được hợp nhất theo luật của Bỉ nên sẽ bị ràng buộc bởi các quy tắc của Bỉ và EU bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Ông Gottfried Leibbrandt, cựu Giám đốc điều hành SWIFT, từng phát biểu trên một diễn đàn của Financial Times vào năm 2021 rằng mặc dù mạng này độc lập về mặt kỹ thuật, nhưng Mỹ vẫn có thể áp đặt lệnh trừng phạt hiệu quả bởi hơn 40% luồng thanh toán là bằng tiền USD. Trong quá khứ, Washington đã tác động khiến các quốc gia bị cản trở tham gia SWIFT, chẳng hạn vào năm 2018 các ngân hàng Ira bị cấm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phạm Hà Thanh (theo DW, Yahoo. News)