Sự kiện

Điều gì sẽ xảy ra khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khi chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì các biện pháp ứng phó dịch cũng sẽ thay đổi theo.

Ngày 17/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là suốt hơn 2 năm qua chúng ta đã cùng nhau tham gia phòng, chống dịch và hiện nay tiến tới trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, có kiểm soát dịch bệnh.

Để hiểu rõ thêm về các biện pháp ứng phó dịch sẽ thay đổi ra sao khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ từ PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam:

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A chuyển sang là bệnh truyền nhiễm nhóm B thì có điều gì khác biệt nhất? Các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nghị quyết về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính Phủ ban hành ngày 17/3 cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá để chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo tôi, khi chuyển sang như vậy thì các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều, từ vấn đề giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm,…

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều.

NĐT: Như ông nói, các biện pháp ứng phó dịch sẽ thay đổi, cụ thể sẽ thay đổi như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi lấy ví dụ như bệnh cúm mùa, hiện chúng ta vẫn giám sát nhưng không công bố ca nhiễm hàng ngày. Việc giám sát chỉ mang tính chất “điểm” để đơn vị dịch tễ nắm được và từ đó tính toán, đánh giá tình hình. Chúng ta cũng không xét nghiệm rộng rãi như với Covid-19 hiện nay.

NĐT: Vậy chuyển từ bệnh tryền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì kinh phí điều trị có khác biệt gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Về kinh phí điều trị, bệnh truyền nhiễ nhóm A chi phí điều trị do Ngân sách nhà nước chi trả, còn khi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, chi phí điều trị do BHYT chi trả, người bệnh tự chi trả nếu các dịch vụ sử dụng ngoài danh mục BHYT.

NĐT: Theo ông để chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cần căn cứ vào các yếu tố nào?

Cần xem xét tình hình dịch bệnh trên thực tế như thế nào; chủng virus đang lưu hành có mức độ lây lan, gây bệnh nặng ra sao.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi, cần căn cứ rất nhiều yếu tố, cụ thể:

Thứ nhất, cần xem xét tình hình dịch bệnh trên thực tế như thế nào; chủng virus đang lưu hành có mức độ lây lan, gây bệnh nặng ra sao; hiệu quả của các loại thuốc điều trị, vắc xin đang có ở mức độ nào.

Thứ hai, khả năng đáp ứng của Việt Nam, gồm khả năng kiểm soát dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cũng như vấn đề tài chính.

Phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh, đánh giá tình hình dịch bệnh và mức độ đáp ứng của Việt Nam,  từ đánh giá về khoa học lẫn thực tiễn mới có thể đưa ra quyết định chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Tôi cho rằng, khi chuyển, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương (ví dụ có chính sách về chi phí khám bệnh, tiêm vắc-xin cho người nghèo).

Bên cạnh đó, theo tôi khi nghiên cứu, cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự phối hợp các Bộ, ngành xây dựng chính sách cho phù hợp để đảm bảo an sinh xã hội. Bộ Y tế nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Nghiên cứu và các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh thành có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau.

Vị chuyên gia cho rằng F0 không thể ra ngoài tự do.

NĐT: Thưa ông, hiện nay số ca mắc vẫn ở ngưỡng cao, thực tế số người dương tính khai báo y tế không nhiều, F0 không khai báo cũng tự ý ra ngoài khó kiểm soát. Tuy nhiên, việc cách ly F0 tại nhà vẫn đang vướng phải quy định Covid thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm F0 ra ngoài không còn phù hợp, ông nghĩ sao?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi không đồng ý là F0 có thể ra ngoài tự do, bởi nếu cho F0 ra đường sẽ khiến dịch lây lan nhanh, số ca F0 tăng cao. Chúng ta cách ly F0 để kiểm soát rủi ro, có nghĩa là trong tình hình dịch như hiện nay thì việc có thể chấp nhận sẽ xuất hiện một số F0 không triệu chứng mà không phát hiện ra. Chứ không thể buông xuôi, thả lỏng được.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lý luận là cả nhà không may bị F0 thì lấy ai mua các đồ dùng thiết yếu nên F0 phải ra ngoài. Điều này là không đúng. Bởi, có rất nhiều cách để đi chợ hay mua thuốc trong trường hợp cả nhà đều là F0, có thể nhờ bạn bè, hàng xóm, shipper giao hàng tận nơi và thanh toán bằng chuyển khoản…

Theo tôi, nếu hiện nay cho F0 ra đường sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: 5K, cách ly các trường hợp mắc bệnh, khai báo y tế và kết hợp với tiêm vắc-xin... để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra chứ không thể lơi là được.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong. Hiện trong danh sách này có các bệnh như HIV, bệnh do virus Adeno, bạch hầu, sốt xuất huyết Denge, cúm, bệnh dại, ho gà,…

Trong khi đó, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Ngoài Covid-19, các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nin, bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.