Kinh tế

Điều gì khiến vàng "hạ nhiệt" sau khi lập đỉnh mới?

Trong khi SJC trong nước tăng trở lại, gần chạm mốc 91 triệu đồng/lượng thì giá vàng thế giới lại “hạ nhiệt”, bỏ xa đỉnh cao lịch sử vừa lập trong phiên đầu tuần.

Tại thị trường trong nước, phiên đấu thầu vàng miếng SJC lần thứ 8, ngày 21/5, ghi nhận 9 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 7.900 lượng; giá trúng thầu là 89,42 triệu đồng/lượng. Tính chung từ ngày 19/4 đến nay, lượng vàng trúng thầu đã lên tới 35.100 lượng vàng.

Việc tổ chức đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng giúp ổn định thị trường vàng, tăng nguồn cung cho thị trường, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, tại thời điểm, 10 giờ ngày 22/5, Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 88,9-90,9 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra 2 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng miếng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 15-16 triệu đồng/lượng.

Ngược chiều với SJC, sau khi tăng mạnh và lập đỉnh cao lịch sử trong phiên đầu tuần, có lúc lên sát ngưỡng 2.450 USD/ounce, giá vàng thế giới giao ngay đã bị bán ra khá mạnh, vào sáng 21/5 (giờ Việt Nam) có lúc xuống dưới ngưỡng 2.410 USD/ounce.

Giới phân tích nhận định giá vàng quốc tế hạ nhiệt khi nhà đầu tư bán chốt lời kéo giá vàng thế giới giao ngay đi xuống. Tuy nhiên, cầu bắt đáy vẫn khá lớn. Vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã nhanh chóng tăng trở lại lên 2.430 USD/ounce.

Giá vàng thế giới vẫn được dự báo tăng trong bối cảnh đồng USD có thể tiếp tục suy yếu, đặc biệt trong nửa cuối năm 2024 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khó tránh khỏi việc phải đảo chiều chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất điều hành 1-2 lần.

Gần đây, khả năng Fed cắt giảm lại tăng lên khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 4, thấp hơn mức tăng của tháng trước và thấp hơn dự báo.

Khi lãi suất đồng USD giảm, dòng tiền sẽ rút khỏi đồng bạc xanh của Mỹ và tìm đến các loại tài sản khác, qua đó khiến USD giảm giá. Vàng theo đó sẽ được hưởng lợi.

Mặt khác, một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thông báo lãi suất sẽ còn đứng ở mức cao trong thời gian dài. Từ đó, đồng USD tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác. Giá vàng hôm nay rơi vào thế bất lợi.

Một diễn biến khác là chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh. Điều này đã thúc đẩy nhiều người quan tâm đến cổ phiếu. Theo đó, tiền chảy vào kim loại quý bị chi phối. Giá vàng hôm nay của thế giới tất yếu hạ nhiệt.
Mặt hàng kim loại quý còn được hỗ trợ bởi những căng thẳng địa chính trị khó lường tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Ukraine và Trung Đông.

Theo phân tích kỹ thuật, vàng đang đứng trước ngưỡng cản quan trọng là đỉnh cao kỷ lục vừa ghi nhận hôm 20/5 (ở mức 2.454,2 USD/ounce). Trong khi đó, ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 2.408,5 USD/ounce - mức thấp nhất trong phiên giao dịch liền trước. Sau đó là ngưỡng hỗ trợ tâm lý 2.400 USD/ounce.

Trên Kitco, nhiều dự báo cho rằng vàng có thể tăng lên ngưỡng 2.500 USD/ounce trong nửa cuối năm nay. Theo đó, sức cầu của ngân hàng Trung ương nhiều nước tăng. Theo báo cáo mới đây của Hội đồng vàng Thế giới (WGC), các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông vẫn tăng cường mua vàng.

Mặc dù Trung Quốc mua ròng vàng 18 tháng liên tiếp, nhưng lượng vàng mới chiếm khoảng 5% dự trữ ngoại hối của nước này. Trung Quốc trong nhiều năm gần đây đẩy mạnh bán trái phiếu Mỹ trong khi tăng lượng vàng dự trữ. Nếu xu hướng này còn tiếp tục, giá vàng thế giới vẫn có được một lực đỡ mạnh.

Dù kỳ vọng giá vàng sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới, các nhà phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tránh đuổi theo thị trường ở mức giá hiện tại.

Thời gian qua, kim loại quý được hỗ trợ trong bối cảnh bất ổn về địa chính trị và kinh tế. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 16%, đạt mức cao kỷ lục trên 2.400 USD/ounce trong tháng 5.

Một số nhà phân tích dự báo rằng, vàng có thể sẵn sàng cho một đợt tăng giá khác. Về tầm nhìn trung hạn, các chuyên gia của Citi Bank gần đây đã đưa ra dự báo lạc quan rằng, giá kim loại quý có thể đạt tới 3.000 USD/ounce trong vòng 6-18 tháng tới.

Sáng nay, chỉ số USD-Index tăng nhẹ lên mức 104,61 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,417%; chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay; giá dầu giảm xuống 82,37 USD/thùng đối với dầu Brent và 78,03 USD/thùng đối với dầu WTI.

KHÁNH LINH (t/h)