Tiêu điểm thế giới

Điều gì giúp chiến dịch tiêm chủng của Campuchia cán đích sớm?

Với chiến lược tiêm chủng phù hợp và nỗ lực đảm bảo nguồn cung vắc-xin, Campuchia sẽ hoàn thành chương trình tiêm chủng sớm hơn tám tháng so với kế hoạch.

Campuchia đang vượt qua hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á - và nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới - về tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Tính đến ngày 6/9, hơn 2/3 dân số Campuchia đã được tiêm chủng ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 và 53% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, Campuchia là quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao thứ hai trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, chỉ đứng sau Singapore.

Theo số liệu thống kê từ Our World In Data, Campuchia đang vượt qua 8 nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á về tỉ lệ tiêm chủng. Con số cụ thể được cung cấp qua biểu đồ sau:

Tỉ lệ tiêm chủng ở 10 quốc gia thành viên ASEAN, tính đến 6/9/2021. Nguồn: Our World In Data/via The Diplomat

Hồi tháng Tám, Mekong Strategic Partners, một công ty tư vấn và đầu tư có trụ sở tại Phnom Penh, đã công bố một báo cáo khẳng định rằng Campuchia “đang trên đà hoàn thành chương trình tiêm chủng của mình, sớm hơn kế hoạch khoảng tám tháng”.

Cứ theo đà hiện tại, nước này sẽ đạt tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ là 70% vào ngày 21/9/2021. Trong khi đó, Philippines đặt mục tiêu là 22/3/2022, Indonesia và Thái Lan là 22/7/2022.

Bên cạnh đó, Phnom Penh được xếp vào nhóm các thủ đô có người dân được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 99% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ, theo báo cáo của Mekong Strategic Partners.

Cũng theo báo cáo, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Campuchia chấm dứt tình trạng phong tỏa và kích hoạt lại nền kinh tế đang bị đình trệ sớm hơn so với nhiều quốc gia khác.

Điều gì đã giúp Campuchia thành công trong chiến lược phân phối vắc-xin? Rõ ràng, các yếu tố về địa lý và dân số tương đối nhỏ (khoảng 16,5 triệu người), đã giúp Campuchia thuận lợi hơn trong việc thực hiện chiến lược tiêm chủng trên diện rộng.

Tuy nhiên, báo cáo của Mekong Strategic Partners chỉ ra rằng, “kế hoạch phân phối vắc-xin khoanh vùng đơn giản và rõ ràng, dựa trên khu vực thay vì dựa trên độ tuổi" của Chính phủ Campuchia, cùng với việc áp dụng quy định tiêm vắc-xin bắt buộc với nhân sự trong nhiều ngành, bao gồm cả lực lượng vũ trang và nhân viên công vụ.

Ngoài ra, thông cáo báo chí ra ngày 3/8 của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Campuchia cho biết sự do dự tiêm vắc-xin ở Campuchia là tương đối thấp so với các quốc gia khác. Điều này cũng giúp ích khá nhiều cho chiến dịch tiêm chủng của Chính phủ Campuchia.

Theo LHQ, quốc gia Đông Nam Á này là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 cao nhất trong dân số trưởng thành ở khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Campuchia cũng là một trong 17 quốc gia đầu tiên trên thế giới ưu tiên tiêm chủng cho giáo viên.

“Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trong cộng đồng hồi tháng 2/2021, Campuchia đã áp dụng chiến lược tiêm chủng dựa trên địa lý, ưu tiên tiêm chủng ở các khu vực và thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, rồi mới triển khai tiêm chủng dần cho phần còn lại của đất nước”, thông cáo cho biết.

Điều quan trọng nữa là Campuchia đã thành công trong việc đảm bảo đủ vắc-xin để tiêm chủng cho dân số của mình.

Một cậu bé được tiêm vắc-xin tại Trung tâm Y tế Koh Dach ở xã Koh Dach, quận Chroy Changvar, thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021. Ảnh: Phnom Penh Post

Theo báo cáo từ Mekong Strategic Partners, Campuchia đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung vắc-xin “bằng mọi cách có thể”, bao gồm tài trợ thông qua Cơ chế COVAX, các khoản tài trợ song phương và các thỏa thuận mua vắc-xin trực tiếp từ một số quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine hôm 2/8 cho biết, Campuchia sẽ tiếp tục sử dụng vắc-xin đã được WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

“Tiêm chủng vẫn quan trọng đối với mọi cá nhân. Dù sau khi được tiêm vắc-xin chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh, nhưng hệ thống miễn dịch của chúng ta đã có khả năng chống lại loại virus đó,” bà nhận định. “Mặc dù nó không thể ngăn chặn 100% sự lây nhiễm, nhưng nó có thể làm suy yếu virus. Do đó, những ai đã được tiêm chủng mà chẳng may mắc bệnh thì cũng sẽ không bị tiến triển nặng”.

Ngày 1/8, Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi với hy vọng có thể mở cửa trở lại các trường học vào tháng Chín hoặc tháng Mười.

Chiến dịch đã kết thúc hôm 14/8, với hơn 176.200 trẻ em và thanh thiếu niên ở thủ đô Phnom Penh đã được tiêm chủng.

Minh Đức (Theo The Diplomat, Phnom Penh Post)