Tiêu điểm thế giới

Điều "chưa có tiền lệ" trong cuộc biểu tình diện rộng ở Thái Lan

Các đòi hỏi bao gồm Thủ tướng Prayuth từ chức, cũng như một số thay đổi để tăng trách nhiệm giải trình của hoàng gia đối với 69 triệu người Thái.

Vài thập kỷ qua ở Thái Lan, các cuộc biểu tình trên đường phố luôn chấm dứt sau một cuộc  trấn áp hoặc đảo chính cuối cùng. Nhưng lần này, chính quyền Thái Lan phải đối mặt với một trở ngại lớn hơn nhiều: Phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo không đòi quyền lực cho riêng mình mà muốn thay đổi cơ bản hệ thống chính trị vốn đã chứng kiến ​​khoảng 20 cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1932, theo Bloomberg.

Thảo luận công khai về hoàng gia từ lâu đã là điều cấm kỵ ở Thái Lan. Người xúc phạm các thành viên cấp cao của hoàng gia có thể bị phạt tới 15 năm tù. Vậy nhưng người biểu tình lần này nhắm thẳng vào hoàng gia.

Những người lái xe giữa đông đảo cảnh sát chống bạo động Thái Lan hôm 15/10 

Sắc lệnh cấm tụ tập

Chính quyền Thủ tướng Thái LanPrayuth Chan-Ocha đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đối mặt với cuộc biểu tình này.

Chính phủ của ông đã phải áp đặt một sắc lệnh khẩn cấp nhằm cấm tụ tập đông người, bắt giữ thủ lĩnh biểu tình và ra hành động ngăn chặn sự “thiếu tôn trọng” thể chế hoàng gia.

Theo đó, chính phủ Thái Lan đã ban hành sắc lệnh cấm tụ tập trên 5 người tại Bangkok ở thời điểm biểu tình gia tăng tại quốc gia này.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cấm người dân tập trung tại một số địa điểm nhất định. Sắc lệnh mới cũng có nội dung cấm truyền thông đăng thông tin có thể gây sợ hãi, hiểu nhầm, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết hàng chục nghìn người đã đổ ra các con phố tại Bangkok tham gia biểu tình trong 3 tháng qua để yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và hình thành hiến pháp mới.

Khoảng 51 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình tuần qua, theo các luật sư nhân quyền ở Thái Lan.

 

Những

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh mức tăng trưởng chậm của kinh tế nước này càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những khó khăn kinh tế đó đã khiến sự phân hóa giàu nghèo lớn hơn.

Nhiều người trẻ tuổi tham gia các cuộc biểu tình bởi lý do họ không nhìn thấy một tương lai kinh tế phát triển khả quan và họ "thực sự bất bình" về cách đất nước được điều hành dưới một hệ thống chính trị trao nhiều quyền lực hơn cho quân đội, hoàng gia, tư pháp, Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định.

Người biểu tình ở Bangkok hôm 15/10 

Dù không có nhóm chính trị nào đứng đằng sau, phe ủng hộ dân chủ trong Quốc hội Thái Lan đã lên án các biện pháp trấn áp biểu tình. Đảng đối lập lớn nhất, Pheu Thai, ra thông cáo yêu cầu chính phủ ngay lập tức gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, thả lãnh đạo biểu tình. Một nhóm đối lập khác dự định bảo lãnh cho những người bị bắt.

Từ trước đó, các nhóm đối lập ở Thái Lan cũng có các nỗ lực viết lại Hiến pháp - cũng là một trong những đòi hỏi của phong trào biểu tình. Các đòi hỏi khác bao gồm Thủ tướng Prayuth từ chức, cũng như một số thay đổi để tăng trách nhiệm giải trình của hoàng gia đối với 69 triệu người Thái.

Kevin Hewison, chuyên gia về chính trị Thái Lan và giáo sư tại Đại học North Carolina - Chapel Hill, cho biết đụng độ có thể xảy ra khi chính quyền ông Prayuth không có dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp.

“Chính phủ có thể nghĩ rằng nếu họ bắt giữ vài người, cho họ vào tù, loại đi vài lãnh đạo là sẽ đủ...Nhưng như vậy có thể không đúng với biểu tình lần này. Tôi thấy các em gái 15 tuổi mặc đồng phục trèo qua rào chắn và đứng trước cảnh sát - đó là cảnh tôi chưa từng thấy ở Thái Lan”, ông Kevin Hewison chia sẻ với Bloomberg.