Chính sách

Điều chỉnh lương tháng đóng BHXH, lương hưu bị ảnh hưởng ra sao?

Mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ quyết định phần lớn lương hưu của người lao động. Vậy, khi thay đổi mức đóng BHXH thì lương hưu của người lao động ảnh hưởng ra sao?

Điều chỉnh lương tháng đóng BHXH, lương hưu bị ảnh hưởng ra sao? (Ảnh minh họa)

Lương tháng đóng BHXH

Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật BHXH) thì mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc được quy định rõ.

Người lao động hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đối với người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 89 Luật BHXH quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thì: “Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở”.

Như vậy, mức đóng BHXH của người lao động hiện tại được khống chế ở tỉ lệ (8%) mức tiền lương tháng và lương tháng này không cao hơn 20 lần lương cơ sở.

Quy định khống chế này có ý nghĩa nhất định trong việc đảm bảo công bằng xã hội (không chênh lệch mức hưởng quá cao giữa những người tham gia BHXH). Mặt khác, BHXH là một chế độ an sinh xã hội có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Việc giới hạn mức đóng này có tác dụng giới hạn mức thụ hưởng hay hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động nhằm cân đối thu chi ngân sách.

Mức lương hưu nếu nghỉ hưu từ năm 2020

Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động theo công thức:

Mức lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Đối với lao động nam mghỉ hưu từ năm 2020 tỷ lệ hưởng 45% tương ứng với 18 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2020 thì tỷ lệ 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

Đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi, điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ, người lao động suy giảm khả năng lao động được hưởng lương hưu trước tuổi tiêu chuẩn (trường hợp 1) khi có đủ 20 năm đóng BHXH.

Cụ thể:

- Nghỉ hưu từ ngày 1/1/2020: nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Với quy định này có thể thấy, sự thay đổi của chính sách bảo hiểm chỉ tác động đến người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên làm việc trong điều kiện bình thường, mà không ảnh hưởng tới những lao động khác.

Và như vậy, nếu nghỉ hưu từ năm 2020, người lao động phải có 20 năm đóng BHXH trở lên, đồng thời đủ 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.

Tuy nhiên, cách tính lương hưu lại không có sự khác biệt so với trước đây, vẫn thấp hơn lương hưu khi nghỉ đúng tuổi, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Đáng chú ý, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được xác định theo Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:

Thứ nhất, người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tính theo bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian.

Thứ 2, người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

- Trường hợp thông thường:

+ Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Bắt đầu tham gia BHXH từ 1/01/1995 - 31/12/2000 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2001 - 31/12/2006 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2007 - 31/12/2015 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2016 - 31/12/2019 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2020 - 31/12/2024 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

- Trường hợp đóng BHXH đủ 15 năm trở lên mà làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chuyển sang làm công việc khác mà đóng BHXH có mức lương thấp hơn. Lấy mức lương cao nhất của công việc này hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm nêu trên để tính mức bình quân tiền lương làm cơ sở tính lương hưu.

Như vậy, với những quy định nêu trên, có thể thấy, chỉ người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi chuyển sang công việc có mức lương đóng BHXH thấp hơn mới được ưu tiên trong việc xác định mức lương tính lương hưu.

Hoàng Mai