Văn hoá

Diễn viên Thu Huyền: "Một năm mà có 2 cái Tết tôi cũng thấy vui!"

Ít ai biết rằng, diễn viên Thu Huyền - bà Mây ghê gớm của phim Phố trong làng là một người phụ nữ đảm đang. Ngày Tết, chị đã kể về những kỷ niệm đẹp của mình.

Diễn viên Thu Huyền là gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội. Hiện chị đang làm Phó trưởng đoàn 2, Nhà hát Kịch Hà Nội. Chị được nhớ mặt gọi tên khi tham gia nhiều bộ phim hài Tết nổi tiếng như Đại gia chân đất, Làng ế vợ. Ngoài ra, những bộ phim nổi tiếng trên truyền hình như Phụ nữ là số 1, Những công dân tập thể, Những người nhiều chuyện, Những cô gái trong thành phố... cũng đều ghi dấu diễn xuất ấn tượng của Thu Huyền.

Thu Huyền đang làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Mới đây, chị vào vai diễn bà Mây phim Phố trong làng. Nói về vai diễn này, Thu Huyền cho hay, chị cảm thấy may mắn khi vào một vai có đất diễn trong phim. Chị vui vì khi đi đâu, khán giả cũng nhận ra chị và thay vì gọi tên thật của mình, nhiều người đã gọi chị là "bà Mây ơi".

Kể về ngày Tết của gia đình mình, Thu Huyền tâm sự với Người Đưa Tin: "Tôi rất thích nấu ăn, nên Tết tôi là người thường xuyên vào bếp. Ngày Tết, tự tay tôi trang hoàng nhà cửa, mua sắm hết, từ gói gia vị, nấm hương, mộc nhĩ... Tết nào, tự tay tôi cũng gói đến 60-70 cái nem để Tết ăn dần. Tôi thích nhất là việc bày ban thờ, tự tay tôi sẽ mua từng thứ, từ quả quất, quả ớt, đến bông hoa, cành đào… Tôi chọn những thứ đẹp nhất, to nhất. Năm nay, tôi đặt được một nải chuối đẹp từ mùng 10 tháng chạp nên rất ưng ý. Ông xã tôi là trưởng họ nên tôi càng phải làm cẩn thận hơn.

Năm nào, tôi cũng thức đến 2h sáng để bày biện với các phong cách khác nhau, có năm thì bày mâm ngũ quả với hoa ly, có năm thì bày với hoa cúc, năm nay tôi cắm với hoa đào”.

Ngoài đời, Thu Huyền là một người trẻ trung, vui vẻ.

Khi được hỏi: Nhiều người nói “sợ Tết” vì ngày Tết vất vả quá, còn chị thì sao? Thu Huyền bộc bạch: "Chuẩn bị đến Tết, nghĩ đến lúc mua sắm cũng thấy mệt, nhưng vào guồng mua sắm thì lại thấy thích. Tôi thích không khí ngày Tết, ngày nào tôi cũng đi chợ, xong tất cả mới bày biện. Tết luôn có hương vị riêng: Tết làm cho con người ta bận rộn và có trách nhiệm hơn với gia đình. 360 ngày đi làm, có khi để nhà cửa bừa bộn, nhưng đúng những ngày giáp Tết, ai cũng có ý thức để trang hoàng nhà cửa. Ai cũng nâng niu tổ ấm của gia đình nên chuẩn bị thật kỹ để có một năm mới suôn sẻ hơn. Ngày Tết mệt nhưng tôi thích lắm, kể mà một năm có 2 cái Tết tôi cũng thấy vui, không sao cả".

“Hai con của tôi cũng rất thích Tết. Con trai lớn của tôi đã vào Đại học nên ý thứ về Tết rất rõ rệt, còn bạn bé thì mới 2 tuổi nhưng khi mẹ mua cây đào về cũng vỗ tay reo lên: A, chúc mừng năm mới. Hoa đẹp quá! Tôi cũng hướng cho các con yêu ngày Tết cổ truyền, ngày Tết thì nên yêu văn hoá Tết để lưu giữ nét văn hoá truyền thống” – Thu Huyền cho hay.

Kể về kỷ niệm ngày Tết, Thu Huyền cho biết: "Tôi luôn nhớ những kỷ niệm thời Tết hồi nhỏ của mình. Cứ khoảng 27 Tết là cả xóm nhộn nhịp rủ nhau mua lá rong, rửa lá dong, đãi đỗ vo gạo. Bố tôi ngày xưa gần tết hay nấu kẹo lạc để tiếp khách, xong đi mua đào quất. Đó là hình ảnh Tết thời bao cấp, chúng tôi chỉ chờ cuối năm để xem người lớn gói bánh chưng, ngồi trông nồi bánh chưng dưới cái lạnh se sắt cắt da, cắt thịt rất đáng nhớ. Trẻ con như tôi được mặc áo mới, lì xì, ngày xưa còn có pháo… đêm hôm sau dậy thấy nhà nào có nhiều xác pháo thì nhà đó nhiều lộc…

Thu Huyền có nhiều kỷ niệm ngày Tết không bao giờ chị quên.

Bây giờ mới hiểu, để có nồi bánh chưng, cành đào ngày Tết, bố mẹ đã phải lo lắng, cố gắng đến nhường nào. Tết ngày xưa, mẹ tôi còn xếp hàng ở cửa hang mậu dịch để mua lá dong, mua thịt, hộp mứt, rượu lúa mới, rượu mơ, rượu đào… Ngày Tết ý nghĩa vì mọi người cùng nhau lo toan cho gia đình. Đó là những kỷ niệm của nghĩ lại là rớt nước mắt vì thương bố mẹ mình".

Bà Mây của Phố trong làng là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát.

“Ngày Tết, cũng là khoảng thời gian mọi người xích lại gần nhau hơn, có những bà hàng xóm đang giận nhau, cãi nhau thì Tết lại làm lành với nhau khi cùng nhau dọn dẹp xóm làng, nhà cửa, rồi sang nhà nhau chúc Tết. Hiện tại, thì Tết nhạt hơn nhiều, nên tôi luôn muốn dạy cho các con yêu Tết, yêu làng xóm theo đúng quan niệm “bán anh em xa mua láng giềng gần” - Thu Huyền tâm sự.