Văn hoá

Diễn viên Thu Hiền: "Tết thì làm sao phải sợ?"

Diễn viên Thu Hiền cho biết, mỗi dịp Tết xuân về là chị cảm thấy rất xốn xang và mong ngóng những điều may mắn, hạnh phúc cho gia đình, bạn bè mình...

Diễn viên Thu Hiền không còn là cái tên xa lạ với khán giả. Chị từng đạt giải Người mặc áo dài đẹp nhất trong cuộc thi Người đẹp Thái Nguyên (2001-2002) và Miss duyên dáng của cuộc thi Phụ nữ Thế kỷ 21 (năm 2006).

Ngoài ra, chị còn gây ấn tượng với hàng loạt bộ phim nổi tiếng khác như: Cảnh sát hình sự - Phi đội chuồn chuồn, Xóm gà trống, Mạnh hơn công lý, Thời gian ăn tôm hùm, Năm ngày trong đời vị tướng, Lãnh địa đen, Tia chớp, Gió đại ngàn, Đột kích, Làng ven đô…  Với Seri phim Đại gia chân đất của đạo diễn Bình Trọng, Thu Hiền ghi dấu ấn với vai cô Tánh, bà Sự gây nhiều tiếng cười với khán giả.

Nhân dịp Tết đến xuân về, chị đã chia sẻ với Người Đưa Tin những kỷ niệm, mong ước của mình trong Tết Nhâm Dần 2022.

Diễn viên Thu Hiền rạng rỡ trong dịp đầu năm mới 2022.

Người Đưa Tin (NĐT): Chào diễn viên Thu Hiền, nhiều người nói rất sợ Tết cổ truyền, chị có sợ không?

Diễn viên Thu Hiền: Tết thì làm sao phải sợ? Tết đến, xuân về là dịp để chúng ta được quây quần sum họp cùng gia đình. Thu Hiền còn nhớ rất rõ cái cảm giác hồi hộp ấm áp bên nồi bánh chưng ngày Tết, nhất là hồi bé. Lúc đó còn khó khăn, mỗi khi Tết đến được Mẹ đưa đi mua quần áo mới, đi mua cây quất, cành đào, cảnh tượng mua sắm rất náo nhiệt nhộn nhịp. Tôi vui lắm.

Lớn lên đi học rồi lập nghiệp xa gia đình, thi thoảng mới về thăm bố mẹ, còn họ hàng thì cũng có khi cả năm không được gặp, nên cũng chỉ nhờ có dịp Tết mà được đến thăm nhau... Nhưng bây giờ cuộc sống hiện đại nên theo mình thì Tết thời đại mới cũng cần có một tinh thần mới. Đó là chúng ta vẫn hướng về cội nguồn, vẫn "ôn cố tri tân" vẫn là gửi nhau những lời chúc tụng, nhưng kèm theo đó, là sự sẻ chia, sự cảm thông với tấm lòng rộng mở. Giữ gìn bản sắc văn hoá nhưng đừng biến những phong tục, tục lệ tốt đẹp ấy thành "gánh nặng" ngày Tết.

NĐT: Ngày Tết có kỷ niệm nào mà chị nhớ mãi không quên?

Diễn viên Thu Hiền: Đó là Tết năm 2017,  bé Ong - con gái tôi bị ốm, vì thức trắng mấy đêm 1 mình chăm con nên tôi cũng đổ bệnh luôn. Bố mẹ anh chị đều ở xa, 2 mẹ con tự chăm nhau và năm đó không về quê ăn Tết cùng cha mẹ được. Đến khi đón giao thừa, ngắm pháo bông chỉ có 2 mẹ con nên tôi cảm thấy tủi thân kinh khủng. Vì thế, hàng năm tôi đều cố gắng về quê đón giao thừa cùng cha mẹ. Tết phải đoàn viên mới là Tết.

Thu Hiền cho hay, Tết cổ truyền chị thường quây quần bên gia đình để đón mùa xuân mới.

NĐT: Nhiều người hiện nay thích Tết “xê dịch” tức là họ muốn đi du lịch xa, đi chơi, chị thấy quan điểm này thế nào?

Diễn viên Thu Hiền: Tết cổ truyền dân tộc mang giá trị văn hoá tinh thần to lớn, chúng ta phải trân trọng, gìn giữ và trao truyền. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì đời sống thay đổi, lối sống và quan niệm sống của con người, nhất là một bộ phận giới trẻ cũng đang có sự thay đổi. Do đó, quan niệm về ăn Tết, chơi Tết có sự thay đổi cũng là dễ hiểu. Miễn sao, sự thay đổi này không làm xấu, làm mất đi mỹ tục của dân tộc.

Sự thay đổi trong cách hưởng thụ Tết ở một bộ phận người dân hiện nay, trong đó có việc lựa chọn đi du lịch vào đúng dịp Tết là đang rất phổ biến.

Từ lâu, Tết là ngày trở về, ngày của đoàn viên, sum họp. Tết là ngày để cháu con quây quần bên ông bà, cha mẹ, để gặp gỡ anh em, họ hàng, bạn bè sau một năm bận rộn với công việc hay bôn ba làm ăn nơi đất khách quê người. Dân gian ta vẫn nói, ăn Tết và chơi Tết, nghĩa là Tết là thời điểm để nghỉ ngơi và vui chơi nên chơi gần hay chơi xa cũng không khác về bản chất. Có nhiều lý do để người ta chọn đi du lịch vào dịp tết. Do thời gian nghỉ từ 7-9 ngày đủ để sắp xếp cho gia đình một chuyến đi chơi dài ngày, mà không phải gác lại quá nhiều công việc.

Bản thân tôi luôn coi trọng Tết đoàn viên cùng gia đình, nhưng lâu lâu tổ chức một chuyến đi xa cũng là dịp để cả nhà được nghỉ ngơi và "nạp năng lượng" cho chuỗi ngày bận rộn kế tiếp, đó cũng là một điều hay. Quan trọng các thành viên trong gia đình biết sắp xếp kế hoạch phù hợp và thấy vui vẻ thoải mái.

NĐT: Ngày Tết, chị có tự tay vào bếp không? Món chị thích làm nhất là gì?

Diễn viên Thu Hiền: Tôi rất thích nấu ăn, và nhất là được nấu cho những người thân yêu thì còn gì tuyệt vời hơn. Cũng như những người phụ nữ khác, ngày Tết tôi thường nấu một số món ăn cổ truyền trong mâm cỗ Tết (canh măng, canh bóng, nem rán…) và ngoài ra thì tôi bổ sung thêm một số món ăn khác (cá hấp cuốn với rau, nồi lẩu nấm nóng hổi ăn kèm nhiều rau xanh…) để cân bằng dinh dưỡng và giúp cho mọi người cảm thấy ngon miệng, không bị cảm giác ngán khi ăn.

NĐT: Nhiều diễn viên có thói quen, ngày xuân ngồi xem hài Tết mình đóng, chị có thế không?

Diễn viên Thu Hiền: Mấy ngày Tết, tôi thường dành thời gian để chia sẻ với các thành viên trong gia đình, có những lúc thì cả nhà sẽ cùng nhau đi chúc Tết họ hàng, cũng có lúc thì cùng nhau xem một bộ phim để gắn kết nhau hơn…. Khi thì xem phim nước ngoài, khi thì xem phim của mình đóng… Vừa là giải trí và cũng là xem để rút kinh nghiệm nhìn nhận lại chỗ nào mình diễn tốt chỗ nào mình thiếu sót.

NĐT: Nhiều người nói rằng, tục lệ lì xì hiện nay biến tướng vì hơi “nhuốm màu vật chất”, quan điểm của chị thế nào?

Diễn viên Thu Hiền: Mừng tuổi hay lì xì đều là một nét văn hóa đẹp ngày Tết ở những nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Những phong bao lì xì màu đỏ, những món quà mừng tuổi gửi gắm lời chúc hạnh phúc, may mắn cả năm tới người nhận. Hồi còn thơ bé, tôi cũng như bất cứ đứa trẻ nào đều mong ngóng Tết đến thật nhanh. Tết được mua áo mới, Tết được ăn ngon, được nghỉ học vui chơi thỏa thích, và Tết được mừng tuổi…

Nhưng cái háo hức được mừng tuổi cách đây mấy chục năm khác với cái háo hức được mừng tuổi bây giờ. Điều đặc biệt, thứ mà bọn trẻ chúng tôi được mừng tuổi không chỉ là tiền trong phong bao lì xì mà còn là sách, truyện và bóng bay. Người lớn mừng tuổi dành lời chúc trang trọng, thân tình cho trẻ con, còn con trẻ thì đón nhận một cách trân trọng và háo hức. Ký ức tuổi thơ về tục mừng tuổi của những đứa trẻ giờ đã hơn 30, 40 tuổi hầu như là vậy. Và, lứa tuổi chúng tôi cũng đều hiểu rằng, nhận quà mừng tuổi là để ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi, vâng lời thầy cô, bố mẹ. Đó chính là ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi hay lì xì.

Theo thời gian, phong tục có ý nghĩa tốt đẹp đó dần biến đổi, thậm chí là biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Giờ hầu hết mọi người không gọi là quà mừng tuổi mà gọi hẳn là tiền mừng tuổi. Có lẽ trong mỗi gia đình, sự biến đổi đó đều thể hiện khá rõ. Đó là tâm thế mừng tuổi của người lớn và tâm thế nhận quà mừng tuổi của trẻ con bây giờ không như chúng tôi ngày trước.

Người ta mừng tuổi hay lì xì để bày tỏ tình cảm, để chúc phúc may mắn thì thực tế hiện nay hình thức mừng tuổi hay lì xì bị lợi dụng, biến tướng, để người ta thực hiện những tính toán cá nhân, để đạt mục đích nào đó có lợi cho bản thân.

Người ta đã coi chuyện lì xì hay mừng tuổi chính là thể hiện đẳng cấp, là thước đo tình cảm. Hãy giữ gìn ý nghĩa tốt đẹp lâu đời mang tính biểu tượng, tượng trưng của phong tục mừng tuổi hay lì xì. Theo như tôi thấy mừng tuổi bằng sách, truyện (giống như thời bọn mình ngày xưa) - đó là một ý tưởng hay và cần được duy trì, lan tỏa để phong tục mừng tuổi trở lại là nét đẹp văn hóa mỗi khi đón mừng một mùa xuân mới.

NĐT: Dịp Tết, chị có thể kể một câu chuyện “dở cười dở khóc” nào mà chị không bao giờ quên dịp này?

Diễn viên Thu Hiền: Có một lần, vào dịp Tết mình theo anh người yêu (cũ) về ra mắt. Mọi người ở nhà anh ấy đều khá hồ hởi và thân thiện nên mình cũng thấy thoải mái. Ăn xong thì mình xung phong ra rửa bát cùng các chị. Do ở nhà mình hay rửa bát nên mọi việc cũng không quá khó khăn với mình lắm. Có điều đang rửa thì không biết ở đâu ra một con mèo chạy vồ đến làm tôi giật mình hoảng loạn. Kết quả là chồng bát vừa rửa xong bị vỡ phân nửa. Lúc đấy, mình chỉ muốn chạy ù về nhà cho đỡ xấu hổ thôi. May mà mọi người cũng không trách mắng gì vì không phải lỗi trực tiếp từ mình (cười).

NĐT: Tết cổ truyền, việc chị muốn làm cùng con gái nhất là gì? 

Diễn viên Thu Hiền: Tôi luôn muốn dạy cho con gái yêu Tết, yêu văn hoá cổ truyền của dân tộc. Con là một cô bé thông minh, ngoan ngoãn nên rất thích được đi cùng mẹ sắm đồ Tết, trang hoàng nhà cửa mà không mè nheo. Dịp Tết, 2 mẹ con thích nhất cùng nhau đi chợ Tết mua sắm hoa và quả về bày biện trang trí, sáng mùng 1 thì đi lễ chùa đầu năm. Tôi thích nhất là ngắm con gái cười tươi trong bộ áo dài đầu năm. Con là động lực để tôi cố gắng làm lụng, phấn đấu, dù có vất vả thế nào.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!