Thế giới

Điện Kremlin nói về đàm phán Nga - Ukraine

Ít nhất cho đến nay đã có Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel lên tiếng đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev.

Nga biết ơn tất cả các quốc gia đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 21/3, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ là chọn địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại mà còn phải làm cho Ukraine hợp tác hơn.

“Thực ra, ai đó có thể (làm được điều này) nên sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Kiev để khiến Kiev hợp tác hơn, mang tính xây dựng hơn trong các cuộc đàm phán này”, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhận định.

“Việc lựa chọn địa điểm cho bất kỳ một cuộc hòa đàm nào là vấn đề thứ yếu, mặc dù tất nhiên, chúng tôi biết ơn tất cả các quốc gia bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ quá trình đàm phán này”, ông Peskov nói.

Trước đó, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết, Thụy Sĩ sẵn sàng làm trung gian hòa giải tại các cuộc đàm phán Nga - Ukraine hoặc đăng cai tổ chức các cuộc hòa đàm, và bổ sung thêm rằng "Thụy Sĩ có cả tính trung lập và truyền thống nhân đạo".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RBC ngày 16/3 rằng, các nhà ngoại giao Thụy Sĩ đã tiếp cận ông với đề xuất đảm nhận vai trò trung gian hòa giải tại cuộc hội đàm giữa Moscow và Kiev. Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng đưa ra đề xuất tương tự.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

Không có tiến triển giữa Moscow và Kiev về các vấn đề chính

Phóng viên Hashem Ahelbarra của Al Jazeera đưa tin từ Moscow cho biết, việc không có bước đột phá trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cho đến nay cho thấy "không có bất kỳ tiến triển nào" về các vấn đề chính gây chia rẽ 2 bên.

“Từ quan điểm của Nga, họ muốn người Ukraine công nhận Crimea là thuộc Nga, Luhansk và Donetsk là các quốc gia độc lập”, ông nói, lưu ý đó là các vấn đề về bán đảo ở Biển Đen mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014 và 2 nước cộng hòa ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Sau đó, Nga muốn tiếp tục với ý tưởng về tình trạng trung lập của Ukraine và đưa ra đảm bảo mạnh mẽ cho người Nga rằng Ukraine sẽ không bao giờ còn nghĩ đến ý tưởng gia nhập NATO, ông Ahelbarra cho biết, bổ sung thêm rằng tính trung lập là điều mà Ukraine đã ra dấu hiệu rằng họ đang rất cởi mở.

“Người Nga nói rằng việc NATO mở rộng về phía Đông luôn là mối quan ngại lớn về an ninh quốc gia của Moscow nhưng chưa bao giờ được giải quyết”, ông cho biết.

Minh Đức (Theo TASS, Al Jazeera)