Thế giới

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) khai mạc tại Nga

Mỹ đã kêu gọi các công ty và chính phủ tẩy chay SPIEF năm nay, thường được gọi là “Davos của Nga”, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ngày càng tăng nhiệt.

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 25 đã khai mạc tại Nga hôm 15/6. Hội nghị kinh tế thường niên quan trọng nhất ở Nga được tổ chức đến hết ngày 18/6.

Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997. SPIEF đã bị hủy bỏ vào năm 2020 do đại dịch Covid diễn biến phức tạp.

SPIEF là sàn giao dịch nơi các nguyên thủ quốc gia, quan chức chính phủ cấp cao, giám đốc điều hành của các công ty và nhà nghiên cứu Nga và nước ngoài gặp gỡ để thảo luận về những thách thức kinh tế mà Nga, các nền kinh tế đang phát triển và toàn thế giới phải đối mặt.

Các chủ đề Diễn đàn tập trung vào bao gồm năng lượng xanh, an ninh lương thực, ngành công nghiệp truyền thông và mối quan hệ của Nga với châu Á.

Một hoặc một số quốc gia nhận được tư cách khách mời của SPIEF kể từ năm 2016. Ai Cập sẽ là quốc gia khách mời của SPIEF vào năm 2022.

Diễn đàn thường niên có sự tham gia của hơn 10.000 đại biểu đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sự kiện của SPIEF được tổ chức dưới dạng các phiên họp toàn thể, bàn tròn, triển lãm, hội thảo từ xa và thuyết trình.

Năm nay, theo ông Yury Ushakov, trợ lý Tổng thống Nga, vì lý do khách quan, hiện khá khó khăn để đến St. Petersburg, nhưng dự kiến hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới sẽ cử đoàn dự SPIEF.

Theo Điện Kremlin, 4.188 nhà báo từ 30 quốc gia đã đăng ký để đưa tin về Diễn đàn.

Hãng thông tấn Nga TASS là cơ quan tổ chức ảnh chính thức của SPIEF 2022. Ảnh: TASS

Mỹ đã kêu gọi các công ty và chính phủ tẩy chay Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg năm nay, theo cách gọi của Reuters là “Davos của Nga”, ám chỉ đến Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Davos, Thụy Sĩ.

Lãnh đạo các nước Pháp, Ý, Đức dự kiến sẽ tới thủ đô Kyiv của Ukraine trong khi sự kiện này đang diễn ra tại Nga.

Một số nhân vật nổi tiếng định kỳ tham dự SPIEF có khả năng sẽ muốn ít gây chú ý hơn vì lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Sberbank PJSC, công ty cho vay lớn nhất của Nga, sẽ đóng một vai trò nhỏ hơn đáng kể tại Diễn đàn sau khi bị trừng phạt.

Mặc dù Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến Moscow trải qua sự sụp đổ GDP lớn nhất trong 30 năm và cuộc suy thoái kéo dài 2 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng nền kinh tế của đất nước ông sẽ không đóng cửa với thế giới.

Ông Putin sẽ tận dụng SPIEF để xây dựng quan hệ đối tác của Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế trong bối cảnh bị các lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây.

Tổng thống Nga tham gia các hoạt động của Diễn đàn từ năm 2005. Tại Diễn đàn năm nay, dự kiến ông Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng vào ngày 17/6.

Minh Đức (Theo Foreign Brief, TASS)