Thế giới

Điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông Putin sẽ thảo luận gì?

Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên công bố kế hoạch điện đàm với ông Erdogan trong cuộc họp báo tóm tắt kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 2/8.

Đây sẽ là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo sau một loạt các sự kiện lớn, bao gồm việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và quyết định của Ankara về việc trao trả các chỉ huy tiểu đoàn Azov cho Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga lần đầu tiên công bố kế hoạch điện đàm với ông Erdogan vào ngày 29/7, trong cuộc họp báo tóm tắt kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi.

Theo Tổng thống Nga, 2 nhà lãnh đạo đã định nói chuyện với nhau vào một ngày sớm hơn, nhưng không tìm được thời điểm thuận tiện, cuối cùng đã ấn định cuộc điện đàm vào ngày 2/8. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1/8 đã xác nhận thông tin trên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty Images

Cuộc điện đàm gần nhất giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra vào ngày 24/6, khi ông Putin thông báo cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình ở đất nước ông liên quan đến cuộc binh biến thất bại của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.

Ông Putin và ông Erdogan đã có 9 cuộc điện đàm trong năm nay, theo TASS. Hồi tháng 4, họ đã cùng nhau tham gia theo hình thức trực tuyến buổi lễ nạp nhiên liệu vào nhà máy điện hạt nhân Akkuyu mà Nga đang xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc gặp trực tiếp gần đây nhất của hai vị Tổng thống diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào tháng 10/2022.

Điện Kremlin không công bố chủ đề của cuộc điện đàm chuẩn bị diễn ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết vào ngày 21/7 rằng 2 nhà lãnh đạo có kế hoạch thảo luận trong các cuộc hội đàm trong tương lai về các biện pháp đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đen.

Thỏa thuận ngũ cốc

Trong khi đó, Ankara nói rằng khả năng nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ được chú ý trong các cuộc hội đàm. Trước đó, ông Erdogan mô tả thỏa thuận này là cơ hội để ngăn chặn một “cuộc khủng hoảng lương thực, mà hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng kinh tế”.

Đồng thời, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần chỉ ra rằng yêu cầu của Nga về dỡ bỏ các hạn chế ngăn chặn xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga là hợp lý.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã sụp đổ vào ngày 17/7, sau một năm hiệu lực.

Các tàu thương mại là một phần của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chờ đi qua eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/10/2022. Ảnh: NY Times

Tuần trước, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi, ông Putin cho biết, Nga ban đầu đồng ý tham gia thỏa thuận với điều kiện nó bao gồm các điều khoản nhằm loại bỏ những trở ngại đối với việc đưa ngũ cốc và phân bón Nga đến thị trường thế giới.

Vì không có điều kiện nào trong số này được đáp ứng, nên Moscow đã rút lui khỏi thỏa thuận giúp đảm bảo an toàn cho các tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen. Bây giờ, theo ông Putin, Nga sẽ chờ các điều khoản đối với Nga được thực hiện rồi mới quay trở lại thỏa thuận.

Sàn giao dịch khí đốt

Trong khuôn khổ cuộc điện đàm, sáng kiến xây dựng một trung tâm trung chuyển khí đốt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến cũng sẽ được thảo luận.

Hồi tháng 10/2022, Tổng thống Nga Putin đề xuất thành lập một trung tâm khí đốt lớn nhất ở châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển hướng lượng khí đốt không thể vận chuyển qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) đến trung tâm này.

Hôm 29/7, ông Putin xác nhận vấn đề này vẫn nằm trong chương trình nghị sự vì vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách quốc gia trung chuyển khí đốt đến châu Âu. Nhưng theo nhà lãnh đạo Nga, đây sẽ là một nền tảng giao dịch điện tử cho mặt hàng khí đốt, chứ không liên quan đến việc lưu trữ một lượng lớn khí đốt Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết, dự án sẽ cho phép đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng cho châu Âu và giúp giải quyết các xung đột khu vực.

TurkStream bắt đầu từ bờ biển Nga, chạy dài hơn 930 km qua Biển Đen và đổ bộ vào vùng Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DW

Nga vận chuyển khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen thông qua 2 đường ống – Blue Stream và Turkstream – với tổng công suất gần 48 tỷ m3 mỗi năm. Một nhánh của đường ống đôi Turkstream phục vụ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong khi nhánh còn lại nối với mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của các quốc gia ở Nam Âu, khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia trung chuyển khí đốt quan trọng của Nga.

Theo ước tính của Tập đoàn đầu tư Sinara (Nga), do công suất của các đường ống qua Biển Đen không được sử dụng hết, nên chúng có thể vận chuyển thêm 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga tới châu Âu ngay sau năm 2025 nếu trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập.

Sinara dự báo tổng lượng vận chuyển khí đốt theo đường ống về phương Tây của Nga vào khoảng 51 tỷ m3 trong năm nay, bao gồm 24 tỷ m3 tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và khoảng 15 tỷ m3 tới châu Âu qua Ukraine.

Ngoài ngũ cốc và khí đốt, ông Putin và ông Erdogan có thể thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay đổ bộ BE-200ChS do Nga sản xuất trong bối cảnh cháy rừng ở nước này. Hai máy bay như vậy đã khởi hành từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng 7 để hỗ trợ nỗ lực chữa cháy.

Minh Đức (Theo TASS, Anadolu Agency, Bloomberg)