Hồ sơ điều tra

Diễn biến vụ xét xử nữ đại gia Bạch Diệp: Nữ bị cáo vung tay, la hét

Trong khi đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nhiều lần đứng dậy, vung tay, la hét phản đối, cho rằng mình không phạm tội.

Trưa 17/11, sau hơn một ngày làm việc, phiên xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM; Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, gọi tắt là Công ty Diệp Bạch Dương cùng 8 cựu cán bộ Nhà nước liên quan kết thúc phần xét hỏi, bước vào phần tranh luận.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp la hét, phản đối VKS

Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng, bà Dương Thị Bạch Diệp có có gian dối trong việc lấy khu đất 57 Cao Thắng, quận 3 đã thế chấp cho ngân hàng trước đó để hoán đổi lấy nhà đất 185 Hai Bà Trung, quận 3 nhằm chiếm đoạt.

Trong suốt quá trình thẩm vấn, bị cáo Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội. Theo nữ bị cáo 73 tuổi thì tài sản là khu đất 57 Cao Thắng, quận 3 không dùng để đảm bảo bất cứ khoản vay nào và Agibank đang chiếm giữ trái phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản này.

Tuy bà Diệp thừa nhận đã hoán đổi, nhằm mục đích hợp nhất khối tài sản 181-183-185 Hai Bà Trưng, quận 3 để xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, nhưng bà Diệp khẳng định mình không lừa ai cả.

Theo đại diện VKS, các lời khai nói trên là không có căn cứ. “Bị cáo Diệp biết rõ tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp cho Agribank nhưng vẫn cố tình cung cấp thông tin không đúng, đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng, quận 3” đại diện VKS nêu quan điểm.

Bà Diệp là người đại diện Công ty Diệp Bạch Dương ký hợp đồng tín dụng, giấy biên nhận nợ và nhiều giấy tờ vay vốn tại ngân hàng và cam kết thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng. Kết quả giám định chữ ký trong hồ sơ vay nợ là chữ của bị cáo. Bị cáo biết việc hoán đổi là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn làm.

Từ các lập luận nói trên, đại diện VKS khẳng định việc cáo buộc bà Diệp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan sai.

“VKS ghi nhận bị cáo đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, nhưng với hậu quả vụ án đặc biệt lớn vẫn cần có mức án tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo”, đại diện công tố nói.

Về mức án, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Diệp mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để giải quyết hậu quả vụ án, VKS đề nghị HĐXX tuyên thu hồi nhà đất 185 Hai Bà Trưng trả lại cho Nhà nước vì đây là tang vật vụ án, các tranh chấp khác sẽ được tách ra bằng vụ án dân sự.

Không đồng tình với VKS, bị cáo Diệp nhiều la hét, đứng dậy phản đối VKS và nói lớn: “Những tài liệu này là giả mạo”.

Chủ tọa phiên tòa đề nghị bị cáo Diệp bình tĩnh vì đây mới chỉ là quan điểm của VKS, chưa phải phán quyết cuối cùng của tòa. Đồng thời chủ tọa nhắc bị cáo vẫn còn quyền nêu quan điểm bào chữa cho mình, bên cạnh quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, bà Diệp vẫn tiếp tục vung tay, lớn tiếng phản đối.

Đề nghị án tù với 9 cựu cán bộ Nhà nước

Đối với ông Nguyễn Thành Tài, đại diện VKS nêu, bị cáo không được phân công nhiệm vụ trong việc xử lý tài sản thuộc quản lý của Nhà nước, nhưng khi nghe bà Diệp và ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ) trình bày phương án hoán đổi đã ủng hộ, ký duyệt chủ trương.

Hành vi phạm tội của ông tài đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.

Về tình tiết giảm nhẹ hình phạt, đại diện VKS ghi nhận và chia sẻ bối cảnh phạm tội của bị cáo do áp lực công việc, đã tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra, không biết rõ tính pháp lý của tài sản 57 Cao Thắng đang bị thế chấp tại Agribank vay vốn trước đó. Bản thân bị cáo đã có nhiều đóng góp cho thành phố trong quá trình công tác…để cân nhắc, xem xét mức án với bị cáo.

Đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo từ 5 – 6 năm tù giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như ông Tài, nhóm 8 bị cáo còn lại gồm: Trần Nam Trang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM; Vy Nhật Tảo, nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM; Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM; Lê Tôn Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM; Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM; Huỳnh Kim Phát, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM; Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở TN&MT bị đề nghị các mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù giam.

“Để xảy ra việc bị cáo Diệp chiếm đoạt được như trên là do các cán bộ đơn vị liên quan đã có hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc tham mưu đề xuất chấp thuận hoán đổi tài sản, cấp sổ hồng tại 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương không đúng pháp luật. Trách nhiệm về các sai phạm này thuộc về bị cáo Nguyễn Thành Tài, Vi Nhật Tảo, Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum, Lê Tôn Thanh, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Thanh Nhàn, Huỳnh Kim Phát và Lê Văn Thanh. Các bị cáo là cựu cán bộ Nhà nước này đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, vi phạm khoản 5 Điều 6 luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng”, đại diện VKS nêu.

Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…