Hồ sơ điều tra

Diễn biến phiên xét xử phúc thẩm vụ để mất hơn 300ha rừng

Ngày 18/8, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 9 bị cáo là cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo hồ sơ vụ án, quá trình điều tra mở rộng vụ khai thác gỗ trái phép, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện thêm nhiều vị trí rừng bị khai thác trái phép.

Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an phát hiện từ năm 2015-2019, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar để mất hơn 300ha rừng, với gần 29.000m3 gỗ, tổng thiệt hại hơn 29,4 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 4/2022, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt 9 bị cáo là cán bộ, nhân viên Công ty Lâm nghiệp Ea Kar về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Mạnh, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty, 5 năm tù (VKSND đề nghị mức án 9 đến 10 năm tù); Phan Văn Đức, nguyên Phó giám đốc, 4 năm 6 tháng tù (VKSND đề nghị 8 đến 9 năm tù).

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. 

Bên cạnh đó, 7 bị cáo còn lại cũng lãnh mức án từ 2 năm đến 4 năm tù, dưới khung mà VKSND đề nghị. Thế nhưng, sau khi tuyên án, HĐXX cấp sơ thẩm đã kiến nghị tòa cấp trên xem xét tuyên... hủy án của chính mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, có 8/9 bị cáo kêu oan, đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, 1 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, việc mất rừng không chỉ là do các đối tượng lâm tặc khai thác mà còn do việc người dân xâm chiếm lấy đất sản xuất nhiều năm trước đây.

Mặt khác, tại phiên tòa, bị cáo Đức khai đã có nhiều văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị thu hồi các diện tích bị lấn chiếm để trồng lại rừng nhưng chưa được xem xét giải quyết.

Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk - ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, các cơ chế, chính sách trong quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, nguồn kinh phí để quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 30% so với nhu cầu thực tế…

Quá trình đánh giá, phân tích toàn bộ hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, việc Cơ quan CSĐT không xác định được thời điểm rừng bị khai thác, không phân tách được mức độ thiệt hại theo mốc thời gian cụ thể để xác định diện tích rừng các hộ dân khai hoang, lấn chiếm có nằm trong phần diện tích mất rừng trong vụ án này không là thiếu sót.

Hơn thế nữa, bản kết luận điều tra và cáo trạng không đề cập đến việc xử lý trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo như thế nào. Đồng thời, chưa thu thập các tài liệu liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chưa làm rõ quan điểm của UBND tỉnh Đắk Lắk với tư cách là cơ quan đại diện cho Nhà nước về quyền quản lý sử dụng rừng trên địa bàn. Đây là vụ án phức tạp, điển hình, cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề dân sự và hình sự…

Trên cơ sở đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Khánh Ngọc