Hồ sơ điều tra

Diễn biến mới vụ bé trai nghi bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành: Mẹ ruột cháu bé nộp đơn kiện Chủ tịch UBND phường

Bạo hành không chỉ là gây thương tích, đánh bé, chửi bé, việc gây tổn hại tinh thần cho bé cũng là bạo hành. Khi phát hiện nghi vấn bạo hành, chính quyền địa phương phải thực hiện cách ly nạn nhân trong vòng 12 giờ sau khi nắm sự việc. Do đó phía chị Y. (mẹ cháu K., nạn nhân bị bạo hành) đã quyết định kiện Chủ tịch UBND phường này.

Liên quan đến vụ việc bé trai V.Q.K., SN 2009, học sinh lớp 5 tại trường T.Q.T. (quận 3, TP.HCM) nghi bị mẹ kế và cha đẻ bạo hành.

Chiều ngày 7/11, trao đổi với báo Người Đưa Tin, luật sư Ngô Thị Hoàng Anh (công ty Luật hợp danh Thuỷ Anh, người đại diện của chị N.T.H.Y., SN 1983, mẹ ruột cháu K.) cho biết, luật sư vừa làm việc với TAND quận 11 về việc liên quan đến đơn khởi kiện ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch UBND phường 15 (quận 11) vì đã không ban hành quyết định can thiệp, cách ly bảo vệ trẻ em bị bạo hành.

Quyết định thụ lý vụ án.

Theo đó, nội dung đơn khởi kiện của bà N.T.H.Y. kiện ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch UBND phường 15 yêu cầu:

Tuyên bố hành vi không ban hành quyết định can thiệp cách ly trẻ V.Q.K. khỏi nơi bạo hành theo như luật trẻ em là trái pháp luật.

Buộc ông Chủ tịch UBND phường 15 ban hành quyết định can thiệp cách ly cháu K. ra khỏi nơi bị bạo hành và phải thực hiện quyết định bàn giao bé K. cho người nuôi dưỡng hợp pháp là chị Y..

Ngoài ra, chị Y. yêu cầu chủ tịch UBND phường phải tổ chức họp xin lỗi công khai chị để bù đắp những tổn thất tinh thần cho chị và cả cháu K.

Bên cạnh, chị Y. còn yêu cầu ông Kỳ phải bồi thường tổn thất về vật chất cho bà (bao gồm tiền lương do phải nghỉ việc, tiền vé máy bay, tiền ăn ở trong vòng 1 tháng chờ ông Chủ tịch phường quyết định là 47 triệu đồng.

Luật sư Hoàng Anh cho hay, sau buổi làm việc với TAND quận 11, cơ quan này đã thông báo thụ lý vụ án và tống đạt quyết định này đến UBND phường 15.

TAND quận 11 sẽ tổ chức buổi đối thoại giữa chị Y. và ông Kỳ theo luật tố tụng hành chính vào ngày 11/11 tới đây.

Theo luật sư Anh, bên phía chị Y. đã rút một phần đơn kiện ông Kỳ.

Cụ thể, rút yêu cầu ông Chủ tịch ra quyết định can thiệp cách ly cháu K. ra khỏi nơi bị bạo hành và phải thực hiện quyết định bàn giao bé K. cho người nuôi dưỡng hợp pháp là chị Y..

Bởi vừa mới đây, chị Y. đến trường thăm cháu K. và cháu đã vui vẻ muốn theo mẹ, nên chị đã đón cháu về Hà Nội.

Cháu K. chịu nhiều thương tích trên cơ thể nghi bị bạo hành.

Sỡ dĩ chị Y. quyết định khởi kiện ông Kỳ, luật sư Hoàng Anh cho hay: “Chị Y. là một công dân bình thường, không hiểu biết sâu, rộng các vấn đề pháp luật.

Khi vụ việc xảy ra, chị Y. đã nhiều lần gọi cửa cơ quan chức năng, tuy nhiên không hiệu quả. Rơi vào hoàn cảnh đó, chị Y. không biết trường hợp chị gặp phải thì hành động như thế nào mới đúng pháp luật”?

"Trong khi đó, cơ quan nhà nước, tổ chức được giao phó thực hiện pháp luật thì lại không làm theo, nên người dân mất niềm tin. Đây chính là thiệt hại, mất mát lớn.

Do đó thông qua phiên tòa này chúng tôi muốn đòi lại lẽ công bằng, để người dân biết như thế nào là đúng, cái nào là sai”, luật sư Hoàng Anh nói.

Chị Y. cũng chia sẻ, chị không muốn làm lớn chuyện vì chị đã rất mệt mỏi, hơn nữa còn vì cháu K..

Tuy nhiên, nếu không làm đến cùng thì ông V.N.Q. (bố ruột cháu K.) cũng không hiểu thế nào là bạo hành, và hành vi ông này đã gây ra cho con trai là bạo hành.

Buổi gặp mặt của UBND phường 15 và cư dân chung cư Flemington.

Luật sư Hoàng Anh cũng cho hay: “Tôi nghĩ việc thực hiện theo luật trường hợp trẻ bị bạo hành, phía UB phường cũng còn chưa hiểu rõ và còn lấn cấn.

Ngay như trong phát biểu tối qua tại buổi gặp mặt cư dân chung cư Flemington, bà Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường 15 nói: “Chúng tôi đã yêu cầu ông Q. ký vào biên bản cam kết không đánh cháu K. nữa, dạy dỗ trẻ đàng hoàng mà không đánh”.

Nhưng sau đó lại đưa cháu K. về cho ông Q. nuôi tiếp mà không có sự giám sát. Như vậy làm sao biết được ông Q. có đánh cháu K. tiếp hay không”?

“Tôi hy vọng sau vụ việc này, luật bảo vệ trẻ em sẽ được thực thi nghiêm chỉnh, để khi trẻ gặp vụ việc gì còn gọi lên Tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em). Niềm tin pháp luật được cũng cố, thượng tôn”, luật sư Hoàng Anh nói.

Ngày 18/9, cô T. giáo viên của cháu K. tại trường tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3. TP.HCM) phát hiện cơ thể học sinh mình có nhiều vết thương bầm tím. Khi được hỏi thì em K. và một số học sinh khác nói em bị mẹ kế đánh.

Cô T. báo tin này tới Tổng đài Bảo vệ quyền trẻ em 111. Sau đó, nhân viên Tổng đài 111 đã gửi tin nhắn thông tin này đến cho hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Sau khi nhận được thông tin, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã phản ánh lại sự việc với UBND phường, Công an phường 15, quận 11.