Hồ sơ điều tra

Diễn biến mới nhất vụ nâng điểm ở Sơn La: Hé lộ tình tiết từ kết luận điều tra bổ sung

Nhiều cựu quan chức tỉnh Sơn La đã cung cấp thông tin thí sinh nhờ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác minh không đủ căn cứ chứng minh việc tác động cũng như động cơ, mục đích vụ lợi, cũng như không đủ căn cứ quy kết trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp này.

Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Sơn La vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự ngày 05/02/2020 đề nghị truy tố 11 bị can trong vụ gian lận điểm thi chấn động tỉnh Sơn La.

Các bị can trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La.

Theo đó, bị can Trần Xuân Yến, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên là chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Đặng Hữu Thủy, nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, nguyên phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Lò Văn Huynh, nguyên trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Đỗ Khắc Hưng, nguyên trung tá và Đinh Hải Sơn, nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La cùng về truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài ra, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn và Lò Văn Huynh còn bị đề nghị truy tố thêm tội Nhận hối lộ.

3 bị can Lò Thị Trường (SN 1976, ở phường Chiềng An), Trần Văn Điện (SN 1969, trú tại phường Chiềng Lề), cùng ở thành phố Sơn La và Hoàng Thị Thành (SN 1969, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bị can Trần Xuân Yến với chức vụ là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã thông qua mối quan hệ là bạn bè, đồng nghiệp, người than nhận giúp sửa bài thi nâng điểm cho 13 thí sinh.

Trong đó, bị can Yến nhận từ ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) tờ danh sách ghi thông tin cá nhân của 08 thí sinh; nhận từ ông Nguyễn Ngọc Hà (nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) tờ danh sách thông tin của 04 thí sinh và nhận từ nhiều trường hợp khác.

Sau khi có thông tin cá nhân của các thí sinh trên, bị can Yến tổng hợp thành danh sách (ghi rõ họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, mã đề thi và tổng số điểm cần đạt của từng thí sinh).

Chiều ngày 30/6/2018, tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, Yến đã trao đổi và đưa danh sách các thí sinh này cho Nguyễn Thị Hồng Nga để Nga sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh theo số điểm ghi trong danh sách.

Về bản thân Nguyễn Thị Hồng Nga, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, với chức vụ là chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, trước khi tổ chức chấm thi, Nga thông qua các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người thân cũng nhận thông tin của 16 thí sinh để giúp sửa bài thi nâng điểm.

Trong đó, Nga có nhận của danh sách thông tin 4 thí sinh cần nâng điểm từ Trần Văn Điện (cán bộ Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thành phố Sơn La); được ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) nhờ nâng điểm các môn Lịch sử, Địa lí cho 1 thí sinh; nhận từ ông Trần Văn Phúc (Hiệu trưởng trường THPT Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La) danh sách thông tin 2 thí sinh nhờ nâng điểm.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng: Kết quả điều tra, xác minh không đủ căn cứ chứng minh việc tác động cũng như động cơ, mục đích vụ lợi của một số trường hợp cung cấp thông tin thí sinh nêu trên. Do vậy, không đủ căn cứ quy kết trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp này.

Cơ quan điều tra đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp là cán bộ, đảng viên đều đã bị xử lý kỷ luật về Đảng, về hành chính nghiêm khắc.

2 cựu cán bộ Phòng An ninh vướng lao lý

Trong số các bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, có 2 bị can nguyên là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (Phòng PA03), Công an tỉnh Sơn La là Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn.

Theo tài liệu tố tụng, trong thời gian được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự khu vực chấm thi, trực tiếp tham gia giám sát, bảo vệ, quản lý chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm; thay vì thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao thì Hưng lại nhận từ ông Nguyễn Minh Khoa thông tin 1 thí sinh và đưa thông tin này cho bị can Nga để nhờ Nga sửa bài thi nâng điểm cho thí sinh.

Tương tự, bị can Đinh Hải Sơn cũng nhận giúp ông Khoa nâng điểm cho 1 thí sinh và 1 trường hợp người nhà là em vợ Sơn cũng tham gia trong kỳ thi THPT 2018.

Căn cứ vào diễn biến phiên xét xử sơ thẩm công khai hồi tháng 10 năm ngoái tại TAND tỉnh Sơn La, xét thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau một thời gian tiến hành điều tra bổ sung, cơ quan chức năng xác định bị can Lò Thị Trường (nồng dân) đã đưa 300 triệu cho Lò Văn Huynh; bị can Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) đưa 440 triệu cho Cầm Thị Bun Sọn để nhờ nâng điểm cho con mình. Bị can Trần Văn Điện (cựu cán bộ Trường THCS Chiềng Cơi) đã đưa hối lộ hơn 1 tỷ cho bị can Nguyễn Thị Hồng Nga để nhờ nâng điểm cho 4 thí sinh.

Cơ quan tố tụng nhận định: Hành vi của các bị can là rất nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội tinh vi, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà nước, của ngành Giáo dục trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, làm sai lệch kết quả thi của thí sinh; không đảm bảo sự công bằng, khách quan, chính xác của kỳ thi; gây bức xúc, dư luận xấu trong xã hội; ảnh hưởng đến an ninh trật tự, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỳ thi THPT quốc gia nói chung và ngành Giáo dục tỉnh Sơn La nói riêng.