Sự kiện

Diễn biến mới của dịch Covid-19: Lơ là chống dịch sẽ rất nguy hiểm!

Chuyên gia pháp lý cho rằng, trước diễn biến mới của dịch Covid-19, nếu lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch sẽ rất nguy hiểm. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 7/7, UBND TP.Hà Nội vừa có Công điện về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình, diễn biến mới của dịch bệnh. Thành phố đánh giá, hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh quay trở lại cộng đồng là rất cao. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…

Về cơ bản, người dân trên địa bàn TP.Hà Nội đều thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua kiểm tra, phần lớn các nhà hàng đã chấp hành nghiêm túc quy định chung của TP, thực hiện việc đóng cửa nhà hàng trước 21h. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp cố tình không thực hiện theo quy định của TP, bên ngoài thì đóng cửa nhưng bên trong vẫn còn thực khách đang ngồi ăn, uống.

Có ý kiến cho rằng, vừa qua, sau khi TP.Hà Nội nới lỏng hoạt động phòng, chống dịch, cho mở cửa trở lại một số dịch vụ thiết yếu (từ ngày 22/6) thì một số cá nhân đã bắt đầu chủ quan về phòng, chống dịch, tụ tập đông người ở quán bia, nhà hàng, trung tâm dịch vụ, mua sắm… Trong bối cảnh hiện nay, nếu lơ là, chủ quan, thiếu ý thức trong công tác phòng, chống dịch là rất nguy hiểm.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, dẫn đầu đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Xung quanh vấn đề ý thức trong công tác phòng, chống dịch, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Có thể nói rằng đợt dịch bệnh lần này diễn biến rất phức tạp, đặc biệt hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh và khu vực miền Nam đang có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều khu vực bị phong tỏa, nhiều người bị cách ly khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc, chuẩn bị mọi nhân tài vật lực để thực hiện các hoạt động xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng chung sức cùng Nhà nước và nhân dân chống dịch. Đại đa số người dân có ý thức tốt, chấp hành nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội, tuân thủ quy định trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số người dân chấp hành tốt quy định pháp luật thì còn một số cá nhân vẫn cố ý vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm phát sinh chi phí chống dịch và có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

Vị luật sư phân tích dưới góc độ pháp lý: “Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh như không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, vi phạm về cách ly y tế, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong khu vực phong tỏa mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hoặc làm phát sinh chi phí chống dịch từ 100 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 hoặc điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017”.

Luật sư Đặng Văn Cường.

“Thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp vì không tuân thủ quy định về cách ly y tế tại nhà hoặc tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng… đã bị xử lý hình sự.

Bởi vậy, đối với các trường hợp nêu trên, nếu hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế tại nhà làm lây lan dịch bệnh thì những người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Trường hợp làm phát sinh chi phí chống dịch từ 100 triệu đồng trở lên thì hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Cũng theo vị chuyên gia pháp lý: “Cơ quan chức năng cần kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự đối với những người cố ý vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch.

Một số hành vi vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người mắc bệnh Covid-19 mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid – 19”.

Luật sư Cường nhấn mạnh: “Trong tình hình, diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, mọi người dân không nên lơ là, chủ quan trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Lúc này, nếu thiếu ý thức phòng, chống dịch là rất nguy hiểm”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).